Hiệu quả từ việc chủ động chọn lọc FDI chất lượng cao của Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương là địa phương tiên phong thu hút đầu tư có chọn lọc. Để có được “quyền” chủ động này, lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương liên tục nâng cấp chất lượng các khu công nghiệp (KCN) cũng như cải thiện môi trường đầu tư.
Các khu công nghiệp tại Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Các khu công nghiệp tại Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Bộ tiêu chí chọn lọc và hiệu quả bước đầu

Thống kê đến hiện tại, Bình Dương có hơn 4.300 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 40,7 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư.

Đáng ghi nhận, không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng các dự án FDI được nâng lên rõ rệt khi tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn lớn có trình độ công nghệ hiện đại đến từ các thị trường như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Bình Dương cũng là tỉnh tiên phong ban hành Bộ Tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm, KCN trên địa bàn. Theo đó, tỉnh chủ động chọn lọc FDI vào địa phương với chính sách kêu gọi đầu tư có sự chuyển hướng sang những doanh nghiệp sản xuất mang tính công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp nội địa và có đặt trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại địa phương.

Do đó, tỉnh ưu tiên hợp tác với nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Hiệu quả bước đầu của chủ trương này là hàng loạt doanh nghiệp có quy mô lớn trên toàn cầu đã gia nhập phân khúc mới của địa phương mà KCN Việt Nam – Singapore 3 (VSIP 3) được coi là “kiểu mẫu”.

Cụ thể, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, các KCN đã cho thuê hơn 285.700 m2 đất công nghiệp và hơn 64.200 m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm 2024. Lũy kế đến nay, các KCN đã cho thuê 7.067,49ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%. Trong đó VSIP 3 hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, KCN này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.

Đáng chú ý nhất thời gian qua là dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi vốn đầu tư lên tới gần 1,4 tỷ USD, diện tích 44 ha tại KCN VSIP 3 của Tập đoàn Lego được coi là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này trên toàn cầu.

Chia sẻ với truyền thông, đại diện Lego cho biết, dự án tại Bình Dương sẽ là nhà máy bền vững nhất của Lego trên thế giới về mặt thiết kế và xây dựng với trang thiết bị hiện đại. Nhà máy này sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo (điện mặt trời).

“Chúng tôi có rất nhiều sáng kiến để xây dựng một nhà máy thân thiện với môi trường. Chúng tôi lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và cả trên mặt đất, ngoài ra chúng tôi còn trồng nhiều cây xanh để giúp giảm lượng khí thải carbon trong khu vực. Chúng tôi cũng có hệ thống xả thải ứng dụng công nghệ cao, tất cả đều góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững”, đại diện Lego khẳng định.

Ngoài Lego, thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới Pandora cũng vừa khởi công nhà máy sản xuất tại VSIP 3. Ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc cung ứng Pandora nhận định rằng, tỉnh Bình Dương và riêng VSIP 3 có cơ sở hạ tầng tốt. Bên cạnh đó, Pandora cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và ban quản lý Khu công nghiệp VSIP 3.

“Với những sự tương đồng về mục đích chung là hướng đến sản xuất thông minh, đây cơ sở sản xuất thứ ba, đồng thời là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài đất nước Thái Lan. Đáng chú ý, nhà máy này sẽ dùng 100% nguồn năng lượng tái tạo”, đại diện hãng này thông tin.

Bài học về cách làm của Bình Dương

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, bên cạnh lợi thế phát triển hàng chục năm về ngành công nghiệp, để đạt được thành quả như vậy, Bình Dương có sự thống nhất thay đổi ở 3 phía gồm lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư các KCN, doanh nghiệp.

Là chủ đầu tư có tiếng trong lĩnh vực bất động sản KCN, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc điều hành World Trade Center Bình Dương New City (WTC Bình Dương) cho biết, trước xu thế chung, WTC đã và đang thực hiện chuyển đổi những mô hình KCN truyền thống sang khu công nghiệp xanh, thông minh, còn với KCN xây mới thì đầu tư bài bản ngay từ đầu.

Theo bà Linh, đây là định hướng của Chính phủ Việt Nam mà doanh nghiệp không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Thậm chí, WTC đã kết hợp, nhận tư vấn từ nhiều đơn vị để không chỉ tiến hành chiến lược này ở Bình Dương mà hàng chục KCN trên cả nước.

“Kỳ vọng và hoàn toàn có cơ sở xác định Bình Dương sẽ trở thành trung tâm giao thương thương mại thế giới mới kết nối không chỉ giao thương các tỉnh trọng điểm phía Nam mà của toàn cầu. Những hoạt động giao thương, kết nối mang tầm quốc tế sẽ giúp mang nhiều công nghệ tự động hoá hiện đại trên thế giới về Việt Nam và hiện thực hoá sớm hơn kỳ vọng trên”, bà Linh chia sẻ.

Về phía lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, hiện Bình Dương đã có những mô hình phát triển hạ tầng đã trở thành kiểu mẫu, lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước. Với những thành tựu đó, tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế cao và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các FDI.

Đây cũng được coi là cách đón đầu xu thế khi mà nhiều ông lớn cũng đang hướng đến tiêu chí đầu tư chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, bền vững trên nền tảng phát triển hệ sinh thái thái công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang thực hiện chiến lược phát triển Thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo. Trong đó, định hướng phát triển trọng tâm là các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0, điều hành thông minh và phát triển bền vững.

Đồng thời, Bình Dương sẽ khởi công nhiều dự án giao thông lớn, tiếp tục thu hút đầu tư trong năm 2024. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục khởi công tuyến đường Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Hoàn thiện hàng loạt tuyến đường trục cấp huyện, kết nối liên vùng và nội vùng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông thương hàng hóa đến sân bay và cảng biển.

Tỉnh sẽ rà soát, có giải pháp cải thiện chỉ số PCI, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh khẳng định sẵn sàng cùng với các chủ đầu tư hạ tầng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhiều hơn dự án đầu tư vào các KCN.

Qua nghiên cứu, khảo sát, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc chọn lọc cũng là tất yếu là bởi quỹ đất của Bình Dương không còn quá lớn. Thêm nữa, hút FDI theo tiêu chí đưa ra khẳng định vị thế khu công nghiệp Bình Dương đã nâng tầm.

Điều này thể hiện cụ thể qua giá cho thuê, một số KCN ở Bình Dương, hiện đã ứng dụng đầu tư KCN sinh thái để rồi từ đó tăng giá cho thuê lên 180 - 200 USD/m2 (cao bậc nhất cả nước).

“Những KCN truyền thống chưa có kết cấu hạ tầng tốt thì giá cho thuê chỉ có thể từ 80 -100 USD. Đây là ví dụ điển hình và là một bài toán mà các chủ đầu tư KCN, doanh nghiệp ở các địa phương khác cần phải quan tâm trong thu hút đầu tư nhất là FDI vào các KCN trong thời gian tới”, bà Khánh phân tích.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục