Hiểu đúng về các loại cổ phiếu

(ĐTCK) Không hiểu hết ý nghĩa các loại cổ phiếu ưu đãi (CPUĐ), khiến DN khó chào mời các NĐT/cổ đông tiềm năng góp vốn.

>> Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ

>> Bài 2: Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu?

Bài 3: Cổ phần ưu đãi, ưu thế bị lãng quên

Một trong những ưu điểm của hình thức CTCP so với các loại hình DN khác là sự đa dạng về loại cổ phần mà cổ đông có thể nắm giữ. Theo Luật Doanh nghiệp (LDN), ngoài cổ phần phổ thông, CTCP có thể có cổ phần ưu đãi (CPUĐ - ưu đãi biểu quyết; ưu đãi cổ tức; ưu đãi hoàn lại; ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định). Mặc dù mỗi loại CPUĐ có những ưu thế riêng, nhưng khá ngạc nhiên là tại hầu hết CTCP, quy định này trong Điều lệ chỉ để “cho có”…

 

Đặc điểm và những ưu thế riêng...

Theo LDN, người sở hữu CPUĐ là cổ đông ưu đãi với những đặc điểm và ưu thế riêng của từng loại. Theo đó, chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ CPUĐ biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, CPUĐ biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (CPPT). Người được quyền mua CPUĐ cổ tức, CPUĐ hoàn lại và CPUĐ khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do ĐHCĐ quyết định. CPPT không thể chuyển đổi thành CPUĐ, nhưng CPUĐ có thể chuyển đổi thành CPPT theo quyết định của ĐHCĐ. Mỗi loại CPUĐ có những đặc điểm riêng có của mình (xem bảng 1).

Hiểu đúng về các loại cổ phiếu ảnh 1

Về bản chất, việc quy định trong CTCP có các loại CPUĐ là nhằm phát huy tối đa lợi thế của loại hình DN này về tính đại chúng trong cơ cấu sở hữu vốn, đồng thời giúp CTCP tận dụng hết những ưu thế của việc huy động các nguồn vốn từ các NĐT/cổ đông thuộc diện “nhát gan” hay “muốn an toàn” khi bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh để hưởng cổ tức cao hơn gửi tiền vào ngân hàng - nơi có lãi suất cố định, thấp. Việc quy định các loại CPUĐ nào phải được ghi trong Điều lệ công ty hoặc phải do ĐHCĐ quyết định.

Trong các loại CPUĐ (theo bảng 1) thì loại CPUĐ khác là một quy định tùy nghi, theo đó Điều lệ công ty hoặc ĐHCĐ có thể quy định bất kỳ ưu đãi nào hoặc đơn giản là “gộp” các loại ưu đãi, ví dụ: công ty có thể có loại CPUĐ vừa “ưu đãi cổ tức” vừa “ưu đãi hoàn lại”. Tuy nhiên, việc để cho Điều lệ công ty hoặc ĐHCĐ quy định các loại CPUĐ khác là quy định đánh đố với CTCP, khi mà bản thân nhà làm luật còn không chỉ rõ cho DN cách thức xác định như thế nào là “khác”, hay nó còn có các loại cụ thể nào.

Thực tế xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay cho thấy thực trạng phổ biến là những gì không thể thống kê, liệt kê ra thì chúng ta hay dùng nguyên câu “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, từ thực tiễn tham khảo các nước, CTCP có thể quy định các loại CPUĐ khác sau đây: CPUĐ cổ tức dồn lãi, CPUĐ dự phần được chia cổ tức; CPUĐ mua lại được; CPUĐ có thể chuyển đổi; CPUĐ phức hợp (có 2 quyền ưu đãi trở lên); CPUĐ ưu tiên hàng đầu (Prior preferred stock); CPUĐ “để trống” (ghi tùy ý một hoặc nhiều ưu đãi)… Mục đích của việc có nhiều loại CPUĐ là nhằm thu hút càng nhiều NĐT/cổ đông sẵn sàng tham gia góp vốn vào CTCP nhất.

- CPUĐ cổ tức dồn lãi: Đặc điểm cơ bản của loại CPUĐ này là: nếu trong vòng 1 năm, một CPUĐ cổ tức không được thanh toán cho các cổ đông ưu đãi cổ tức thì những cổ đông này có quyền cổ tức dồn lãi, nghĩa là công ty phải cộng dồn vào thanh toán các cổ tức chưa thanh toán vào những năm tiếp theo trước khi cổ tức được thanh toán cho các cổ đông phổ thông.

- CPUĐ dự phần được chia cổ tức: Đặc điểm của loại cổ phần này là sau khi các cổ tức ưu đãi được thanh toán, các cổ đông ưu đãi dự phần có quyền chia thành các cổ tức được công bố cho các cổ đông phổ thông và cổ đông khác trong phạm vi được quy định trong Điều lệ công ty.

- CPUĐ mua lại được: LDN có quy định trường hợp cổ đông phản đối quyết định của công ty có quyền yêu cầu công ty mua cổ phần của mình hoặc công ty mua lại cổ phần đã bán. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các cổ đông có thể thỏa thuận trong Điều lệ công ty một loại CPUĐ mua lại với các quy định “mềm dẻo” hơn cho các cổ đông và công ty với những điều kiện và điều khoản cụ thể, nhằm tránh xảy ra các xung đột trong trường hợp các quy định của Luật và Điều lệ không bảo vệ được quyền lợi của cổ đông (đặc biệt là các cổ đông ưu đãi hoặc cổ đông thiểu số).

- CPUĐ có thể chuyển đổi: LDN quy định, CPUĐ có thể chuyển đổi thành CPPT theo quyết định của ĐHCĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông có thể thỏa thuận trong Điều lệ công ty các loại CPUĐ có thể chuyển đổi, tức là các cổ phần này trao cho cổ đông quyền lựa chọn để chuyển đổi CPUĐ của họ thành các loại chứng khoán khác trong công ty một cách tuỳ ý khi xảy ra một sự kiện nào đó.

- CPUĐ ưu tiên trước (Prior prefered stock): Các CPUĐ này có quyền ưu tiên hơn các CPUĐ đã được phát hành trước đó trong các ưu đãi hàng đầu về: thanh toán cổ tức; thanh toán các quyền thanh lý (khi công ty kết thúc hoạt động, giải thể) và các quyền lợi cụ thể khác.

- CPUĐ “để trống”: Đặc điểm cơ bản của loại cổ phần này là nếu được Điều lệ công ty quy định, HĐQT có thể ấn định các điều khoản và điều kiện cụ thể của một loại CPUĐ. Điều này cho phép công ty linh hoạt đề ra những điều khoản để đáp ứng nhu cầu của thị trường vốn.

 

... Nhưng đang bị quên lãng

Mặc dù mỗi loại CPUĐ có những ưu điểm như phân tích ở trên, nhưng một thực tế phổ biến hiện nay là tại nhiều CTCP (bao gồm cả các DN đại chúng/niêm yết), quy định về CPUĐ trong Điều lệ chỉ là để gọi là “cho có”, chứ hoàn toàn không phải là để tận dụng những ưu thế của loại hình cổ phần này. Nhiều công ty khó khăn trong việc huy động vốn (phát hành riêng lẻ hay phát hành đại chúng) do làm ăn kém hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức thấp hay khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng do lãi suất cao, nhưng lại chưa hoặc không tính đến việc phát hành các loại CPUĐ dành cho các NĐT/cổ đông của mình để họ yên tâm đầu tư vào công ty, thay vì mang tiền đi gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư khác.

Một thực tế phổ biến khác là khi nhiều NĐT/cổ đông “thận trọng” muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào DN thông qua việc mua cổ phần với những bảo đảm an toàn cao hơn (các ưu đãi) thì chính bản thân lãnh đạo DN cũng không hiểu hết ý nghĩa của các loại CPUĐ, nên không thể chào mời các NĐT/cổ đông tiềm năng này được. Có thể thấy, mặc dù CPUĐ có nhiều ưu điểm, nhưng nó đang dần bị quên lãng trong cơ cấu sở hữu của CTCP. Thiết nghĩ, LDN 2005 sửa đổi lần tới cần có những quy định cụ thể hơn về CPUĐ để tránh cho việc một quy định pháp lý ưu việt như vậy bị lãng quên hoặc chỉ quy định “cho có”.  

(Bài 4: Bầu dồn phiếu và tỷ lệ thông qua nghị quyết ĐHCĐ)

Luật sư Lê Minh Toàn, Công ty Luật Lê Minh
Luật sư Lê Minh Toàn, Công ty Luật Lê Minh

Tin cùng chuyên mục