Cơ hội mang tính thời đại…
Phát triển bền vững là thách thức toàn cầu và cũng là cơ hội mang tính thời đại cho các DN. Lãnh đạo DN đều biết rằng, phát triển bền vững giúp người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm của họ. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp gian lận đã xảy ra trong thực tế. Vậy làm sao để kiểm chứng thông tin do chính DN công bố?
Những nội dung này được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tại buổi tọa đàm “Giá trị của báo cáo phát triển bền vững trong chuỗi giá trị” vừa diễn ra.
Mỗi tổ chức đều là một phần trong chuỗi giá trị phức tạp. Các tổ chức đang ngày càng được xem xét về việc chịu trách nhiệm cho những tác động do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Các diễn giả cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã xuất hiện những áp lực từ chuỗi cung ứng và trong tương lai gần, họ sẽ có những quan tâm, yêu cầu và nỗ lực để hướng tới phát triển bền vững để đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững.
Hiện nay, tiêu chuẩn GRI là bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững và đang được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm nhìn nhận, nếu báo cáo phát triển bền vững được “chứng nhận” là đạt tiêu chuẩn GRI, sẽ mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp, trước mắt ở việc quảng bá thương hiệu cũng như giá trị vô hình.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề xác nhận tính chính xác của thông tin; kiểm định báo cáo đã theo chuẩn GRI hay chưa?
Có đề xuất tiêu chuẩn GRI nên bổ sung thêm trong cơ cấu báo cáo bao gồm luôn phần hướng dẫn xác minh thông tin, dữ liệu của các báo cáo; xuất bản báo cáo bắt buộc có bên thứ ba xác minh độc lập.
Bà Asthildur Hjaltadottir, Giám đốc dịch vụ GRI cho biết, GRI không thực hiện dịch vụ xác nhận báo cáo của DN, cũng không đủ thẩm quyền để đánh giá thông tin có chính xác hay không, mà chỉ cung cấp phương thức báo cáo cho DN.
Tuy nhiên, về mặt hình thức, nhà đầu tư có thể nhìn vào các mục nội dung, nếu đã theo chuẩn GRI thì phần nhiều DN đã theo các hướng dẫn và tiêu chuẩn GRI. Bản thân Tổ chức GRI cũng luôn khuyến nghị DN nên có bên thứ ba xác nhận báo cáo.
Về mặt nội dung, yếu tố các bên liên quan rất quan trọng, họ có đóng góp trong báo cáo phát triển bền vững thông qua các ý kiến phản hồi (nếu DN có tham vấn các bên liên quan).
Theo đó, khi sử dụng báo cáo, họ sẽ là đối tượng đánh giá khách quan nhất biểu hiện của công ty. Mục tiêu nâng cao nhận thức của các bên liên quan là vô cùng quan trọng mà GRI đề ra.
Ở Việt Nam, Cuộc bình chọn Báo cáo phát triển bền vững trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất đã chính thức ra đời từ năm 2013.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm chấm Báo cáo phát triển bền vững năm 2017 cho biết, “độ tin cậy” là tiêu chí chấm điểm có trọng số lớn thứ 2 bộ tiêu chí chấm giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững hàng năm.
Tiêu chí này sẽ thể hiện qua hạng mục quản trị của tổ chức khi lập báo cáo (chẳng hạn, lãnh đạo cấp cao có những cam kết và tham gia lập báo cáo hay không…).
Bản thân DN phải mô tả được cách thức để đảm bảo mức độ tin cậy thông tin trong báo cáo (thông tin có kiểm tra dữ liệu chéo như thế nào; từ cấp độ thấp đến cao như thế nào?).
… nhưng cần sự tham gia của các bên liên quan
Một trong những nguyên tắc khi lập báo cáo là phải thể hiện ý kiến của các bên liên quan và cách thức DN phản hồi các ý kiến trên báo cáo phát triển bền vững.
Theo đó, khi DN phát hành báo cáo, các bên liên quan sẽ là đối tượng xác nhận lại nội dung DN đã phản ánh có chính xác hay không. Ngoài ra, nếu DN có nguồn đảm bảo nội bộ (như kiểm toán nội bộ) thì báo cáo sẽ được đánh giá cao hơn.
Ông Thịnh cho rằng, DN nên đảm bảo tính độc lập bằng cách thuê một đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán lại báo cáo. Cao hơn nữa, DN có thể xây dựng ủy ban đánh giá độc lập (bao gồm các chuyên gia độc lập bên ngoài) để đánh giá và rà soát báo cáo. Hiện nay, hiếm DN đạt điểm tối đa ở hạng mục này.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững, về chuỗi cung ứng bền vững của DN. Xu hướng này có tác động tích cực, buộc các DN, các chuỗi giá trị tại Việt Nam phải quan tâm và tìm cách đáp ứng.
Đại diện một chuỗi nuôi trồng tôm cho biết, nhiều DN trong hiệp hội đã đạt các chứng chỉ về xã hội như ISO 14000 về môi trường; ISO 22000 về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng trưởng kinh tế đến cuối năm đã đạt 40 triệu USD…
Việc đạt các chứng chỉ trên tạo thuận lợi cho DN đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường. Mặt khác, bản thân hiệp hội cũng thuê tư vấn để tư vấn cho DN thành viên thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác, nhằm đáp ứng các điều kiện nhập khẩu tại nhiều thị trường.
Thế nhưng, đại đa số DN Việt Nam vẫn đang dừng ở mức “thụ động” đáp ứng các điều kiện, chưa “chủ động” xây dựng chiến lược bền vững dài hạn.
Chẳng hạn, DN trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thắc mắc, thị trường nào yêu cầu DN nhập khẩu có báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI, từ đó DN mới có kế hoạch thực hiện báo cáo phát triển bền vững để đáp ứng.
Bản thân báo cáo phát triển bền vững phục vụ như thế nào về vấn đề quản trị lao động, quản trị chuỗi tại Việt Nam, bởi đây đang là thách thức đối với DN trong ngành khi công ty có tới vài nghìn người lao động, và có hàng nghìn hộ nuôi nhỏ lẻ, nhưng các DN trong ngành thường phải mua qua thương lái, không thể quản trị chuỗi giá trị của mình.
Ông Thịnh cho rằng, báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI không phải là chứng nhận về phát triển bền vững của DN, khác hẳn với các chứng chỉ hay chứng nhận chuyên ngành đã tiêu chuẩn hóa. DN cần nhận thức rõ, báo cáo phát triển bền vững là các để DN truyền thông tới các bên liên quan về cách thức làm phát triển bền vững.
Đối với một DN khi thực hiện báo cáo phát triển bền vững cần xuất phát từ hoạt động thực tế của DN diễn ra và báo cáo chỉ để báo cáo lại một cách có hệ thống.
Theo đó, có 2 vấn đề chính mà DN cần quan tâm và thể hiện trong báo cáo chính là: suy nghĩ, nhu cầu của các bên liên quan và chiến lược của công ty đối với phát triển bền vững.
Theo ông Thịnh, GRI chỉ ra phương pháp luận để xác định được đâu là vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững bằng cách tham vấn các bên có liên quan; đo lường các vấn đề về phát triển bền vững để có cách kiểm soát, từ đó mới có thể phát triển.
Đồng thời GRI giúp DN đưa ra một xuất phát điểm đối với các vấn đề phát triển bền vững và đề ra được mục tiêu hướng đến trong các năm tiếp theo.
Các diễn giả cũng cho rằng, cấu phần quan trọng của báo cáo phát triển bền vững chính là sự tham gia của các bên liên quan. Theo đó, DN cần biết rõ các bên liên quan cần gì để có thể thực hiện báo cáo mang đầy đủ ý nghĩa.
Cần hiểu tổ chức mình cần gì, bản thân tổ chức cần sự tham gia của bên nào trong câu chuyện. Cần nhớ, đây không phải là giấy chứng nhận mà là một cách để DN truyền thông tới các bên liên quan về việc nhận thức phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh doanh của họ theo con đường họ muốn.