“Hiểu đúng, hiểu đủ” bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một trong những trụ cột của nền kinh tế, vai trò quan trọng của bất động sản đã được khẳng định, vậy nhưng đâu đó vẫn còn chưa được “hiểu đủ, hiểu đúng”.
Thị trường địa ốc đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Dũng Minh Thị trường địa ốc đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Dũng Minh

1. Cách đây ít ngày, trong một cuộc “trà dư tửu hậu”, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM bất chợt thở dài mà nói rằng: “Đến hiện tại, vẫn còn nhiều người mông lung về vai trò của ngành bất động sản, về những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế - xã hội, mà mỗi khi kinh tế sụt giảm lại có bóng dáng suy thoái của thị trường này?”.

Bởi, nhiều người nghĩ, những người kiếm được nhiều tiền từ bất động sản là những nhà đầu cơ. Họ mua nhà, đất rồi để đấy, đợi giá lên rồi bán hưởng chênh lệch, chứ không đưa vào sử dụng. Động thái này làm mất ổn định thị trường, góp phần khiến mặt bằng giá nhà liên tục bị đẩy tăng…

Cách hiểu trên không sai, nhưng chưa đủ. Hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản thiếu chuyên nghiệp, tình trạng thao túng giá, hoạt động phi pháp của số ít cá nhân, tổ chức thường được làm đậm trên các phương tiện truyền thông là một trong những lý do tạo nên những cái nhìn không mấy thiện cảm với người làm bất động sản.

Do đó, cần thực sự mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến cách hiểu chưa đầy đủ này. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là những quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, hệ lụy là nhiều quỹ đất rơi vào tay của những chủ đầu tư không đủ năng lực. Một bộ phận không nhỏ chủ đầu tư thu gom đất rồi quây tôn để đó, mà không phát triển dự án - điều này dẫn tới một nghịch lý là “đất để xây nhà cho người dân an cư không thiếu, nhưng lại luôn thiếu những ngôi nhà”.

“Bao nhiêu năm thị trường được hình thành thì cũng chừng ấy năm tạo ra vô số công ty đầu cơ đất, tức là có nhiều quỹ đất bỏ hoang mà không thực hiện dự án xây dựng, không tạo ra một chút giá trị nào cho xã hội”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ yếu tố văn hóa. Thực tế, tâm lý sở hữu đất đai phổ biến ở hầu hết các nước Á Đông, bao gồm cả Việt Nam, nơi có văn hóa nông nghiệp lâu đời, sống quần cư, thích tích điền sản,để dành cho con cháu và dẫn giải việc an cư lạc nghiệp đòi hỏi phải sở hữu “mảnh đất cắm dùi”. Song, cũng vì tâm lý này khiến mọi người dễ mẫn cảm với các thông tin định hướng thiếu căn cứ, sợ bỏ lỡ cơ hội mà vội vã lao theo chiêu trò của các “đội lái” bất động sản đưa ra, gây nhiễu loạn thị trường.

Hàng triệu công ăn việc làm có liên quan tới bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

Hàng triệu công ăn việc làm có liên quan tới bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

2. Trên thực tế, bất động sản đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quản lý vì nhiều nguyên nhân, trong đó ít nhiều ảnh hưởng từ việc chưa hiểu đúng, hiểu đủ về ngành này, đặc biệt sau những sự kiện tiêu cực liên quan đến thị trường và trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Vì thế, trong một thời gian ngắn, các dự án dù tốt hay xấu, cấp thiết hay không… đều đồng loạt ngưng trệ.

Là một trụ cột của nền kinh tế, ảnh hưởng tới hàng chục ngành nghề, lĩnh vực khác, nên khi thị trường bất động sản “đóng băng” kéo theo hàng loạt hệ lụy. Chẳng hạn, việc xây dựng một ngôi nhà bị dừng lại do vướng mắc pháp lý không chỉ ảnh hưởng đến chủ nhà, mà còn là hàng loạt chủ thể liên quan khác, từ ông thầu đến thợ hồ, thợ điện, thợ nước, thợ sơn... Mở rộng hơn, tình trạng dừng đột ngột của hàng loạt dự án tạo ra một chuỗi tác động tiêu cực tới hàng triệu công nhân mất việc và khoảng 30 ngành nghề phụ thuộc cũng chìm trong khó khăn, cả chủ và thợ đều “thúc thủ”, chỉ biết thở dài chờ đợi thời kỳ khó khăn qua đi.

Một ví vụ đơn giản như thế để thấy rằng, bất động sản là một thành phần tất yếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong một nền kinh tế. Tất nhiên, các bất động sản có đóng góp lớn cho nền kinh tế là bất động sản có giá trị thực, bất động sản dịch vụ thương mại, bất động sản công nghiệp... tạo ra giá trị kinh doanh trên đất.

Thử hình dung, đại đa số hoạt động của loài người đều ở trên hoặc trong các bất động sản. Nhà ở không chỉ là nơi cư ngụ, mà còn là nguồn của cải, là tài sản lớn của mọi cá nhân, tổ chức. Bất động sản thương mại tạo ra việc làm và các hoạt động kinh tế liên quan. Để một nơi nào đó phát triển và trở nên thịnh vượng thì cần có nhà ở, các địa điểm mua sắm và ăn uống, các cơ hội việc làm...

Phát triển các bất động sản là yếu tố quan trọng thúc đẩy một nền kinh tế địa phương. Nó tạo ra những vòng xoáy đi lên trong việc phát triển các hoạt động bán lẻ, trường học, du lịch, bất động sản thương mại và nhà ở, các cơ sở sản xuất và hơn thế nữa. Cụ thể, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế là 3 đóng góp quan trọng của bất động sản trong nền kinh tế.

Thị trường bất động sản tạo ra hàng triệu công ăn việc làm trong hàng chục ngành nghề có liên quan trực tiếp và gián tiếp. Một trong những chính sách quan trọng nhất của mọi quốc gia là tạo ra công ăn việc làm cho người dân, cho nên vận hành thị trường bất động sản là một phần chính sách kinh tế của bất kỳ quốc gia nào...

3. Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến quyết tâm vực dậy thị trường bất động sản của Chính phủ và điều này sẽ còn diễn ra trong năm 2024. Vai trò của bất động sản là không thể phủ nhận, đó là nguồn tài nguyên đầu vào cho sản xuất, là nền tảng của hạ tầng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển chất lượng cuộc sống.

Tất nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, cần tăng cường cả cung và cầu, đồng thời thiết lập cơ chế để duy trì sự cân đối giữa 2 yếu tố này. Điều đó đòi hỏi không chỉ sự giải quyết nhanh chóng những hạn chế trong thể chế, chính sách, mà còn cần đảm bảo nguồn vốn ổn định và bền vững cho lĩnh vực này. Ngoài ra, việc khắc phục những phản ứng chính sách mang tính “giật cục” cũng rất quan trọng. Sự chuyển động chính sách từ trạng thái “nóng” sang “lạnh”, từ sự nới lỏng đến sự thắt chặt và ngược lại cần tránh diễn ra một cách đột ngột và không thể dự báo trước.

“Thị trường bất động sản chỉ có thể trở nên sôi động khi lòng tin được củng cố, mà để có được điều này thì tính minh bạch của thị trường phải được đảm bảo”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên trên đúc kết.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục