Hiệp định tránh đánh thuế hai lần: Tầm quan trọng trong giai đoạn toàn cầu hoá(kỳ 2)

(ĐTCK-online) Việc áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp và quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo Thông tư 60 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế tạo rất nhiều thuận lợi cho người nộp thuế.
Người nộp thuế cần nắm vững hoặc được tư vấn đầy đủ trong quá trình kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế.

Kỳ I: Khái niệm và thực tế áp dụng ở Việt Nam

Kỳ II: Đơn giản hoá các trình tự, thủ tục áp dụng Hiệp định

Vấn đề vướng mắc, phức tạp về thủ tục hành chính trong việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định) như đã nêu trong kỳ I, đã được Thông tư số 60/2007/TT-BTC (Thông tư 60) ngày 14/2/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế khắc phục bằng việc đơn giản hóa thủ tục áp dụng Hiệp định. Phù hợp với cơ chế "tự khai, tự nộp", Thông tư 60 quy định, đối tượng thuộc diện được miễn, giảm thuế theo Hiệp định chỉ thực hiện việc thông báo được miễn, giảm thuế cho cơ quan thuế trước khi tiến hành hoạt động (thực hiện hợp đồng nhà thầu, hợp đồng lao động...) tại Việt Nam. Thời gian thực hiện việc thông báo là 15 ngày trước khi thực hiện hợp đồng, hoặc tại tờ khai thuế của kỳ tính thuế đầu tiên của năm, tùy loại thuế được miễn, giảm. Thông tư 60 cũng hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục thông báo miễn, giảm thuế đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế cước. Như vậy, các đối tượng thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định không phải nộp thuế trước, rồi sau đó mới xin hoàn thuế như trước đây.

Ngày 16/6/2008, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2279/TCT-HTQT (Công văn 2279) gửi cho tất cả các cục thuế địa phương về hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 60 đối với các hồ sơ áp dụng Hiệp định về thuế. Công văn 2279 giải thích cụ thể một số điểm về đơn giản hóa thủ tục quy định trong Thông tư 60, cụ thể là:

- Đối với hồ sơ thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định, người nộp thuế không phải nộp giấy xác nhận của tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng về thời gian hoạt động theo hợp đồng và thực tế hoạt động tại Việt Nam như trước đây. Điều này là do theo cơ chế tự khai, tự nộp, người nộp thuế nộp hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế trước thời điểm thực hiện hợp đồng, vì vậy không cần giấy xác nhận về thời gian thực hiện hợp đồng tại Việt Nam;

- Tại thời điểm nộp hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định, nếu người nộp thuế chưa nộp giấy chứng nhận cư trú thì có thể nộp trong vòng quý 1 của năm tiếp theo;

- Cũng theo cơ chế tự khai, tự nộp, người nộp thuế phải tự chịu trách nhiệm đối việc kê khai, nộp thuế của mình. Do đó, cơ quan thuế sẽ không có thông báo hay quyết định miễn, giảm thuế đối với các hồ sơ thông báo thuộc diện miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định. Người khai thuế tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc nộp hay không nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

- Công văn 2279 của Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các địa phương thực hiện kiểm tra chặt chẽ, kịp thời các hồ sơ khai miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra các hồ sơ xin hoàn thuế (trong trường hợp người nộp thuế không thực hiện thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định mà đã thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước sau đó đề nghị hoàn thuế) theo Hiệp định trước khi hoàn thuế.

Như vậy, việc áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp và quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục áp dụng Hiệp định của Thông tư 60 tạo rất nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, có thể thấy, với việc áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp và thủ tục thông báo việc miễn, giảm thuế theo Hiệp định của Thông tư 60, người nộp thuế phải tự chịu trách nhiệm với việc kê khai của mình và do đó việc áp dụng cũng như xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế rất quan trọng. Do cơ quan thuế chỉ thực hiện việc hậu kiểm, nên nếu người nộp thuế không nắm vững quy định của pháp luật thuế trong việc kê khai thuế, sai sót (nếu có) bị phát hiện trong quá trình kiểm tra sau kê khai của cơ quan thuế sẽ bị xử phạt về vi phạm nghĩa vụ thuế. Vì vậy, để tránh rủi ro trên, người nộp thuế cần nắm vững hoặc được tư vấn đầy đủ trong quá trình kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Công văn số 2279 cũng hướng dẫn rằng, Thông tư 60 sẽ thống nhất áp dụng cho cả năm 2007 đối với các hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Như vậy, Thông tư 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các hiệp định tránh đánh thuế hai lần sẽ không còn được áp dụng. Tuy nhiên, Thông tư 60 lại không quy định rõ là bãi bỏ Thông tư 133. Bên cạnh đó, Thông tư 133 không chỉ quy định thủ tục áp dụng Hiệp định, mà còn giải thích nội dung của Hiệp định, trong khi đó Thông tư 60 chỉ quy định thủ tục áp dụng Hiệp định đối với một số trường hợp.

Mặc dù Thông 60 có tiến bộ là đơn giản hóa thủ tục áp dụng Hiệp định, nhưng lại chưa quy định đầy đủ thủ tục áp dụng Hiệp định như Thông tư 133. Chẳng hạn như Thông tư 60 không cung cấp:

- Mẫu và thủ tục cho việc yêu cầu miễn thuế thu nhập đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

- Mẫu và thủ tục cho việc yêu cầu xác nhận số thuế đã nộp ở Việt Nam, hoặc lẽ ra phải nộp ở Việt Nam nhưng do được miễn, giảm thuế  theo các quy định của pháp luật Việt Nam về ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài có thể khấu trừ vào số thuế họ phải nộp tại nước ngoài.

Để có thể thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thống nhất theo Thông tư 60, các mẫu và thủ tục trên cần được bổ sung.          

Phan Thị Liễu
Phan Thị Liễu

Tin cùng chuyên mục