Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Mang lợi ích cho cả đôi bên

EVFTA sẽ đem lại lợi ích đôi bên cho châu Âu và Việt Nam, mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác và tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

EVFTA sắp cán đích

Ngày 17/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để chờ xét duyệt, đúng vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu.

Đây là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt. 

Thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trong đó, một số mặt hàng sẽ giảm thuế theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU (mức thuế hiện đang là 78%)  trong 10 năm tới, miễn thuế đối với rượu vang (mức thuế hiện là 50%) trong 7 năm. Các doanh nghiệp từ EU cũng sẽ được đấu thầu các hợp đồng trong lĩnh vực công của Việt Nam. 

Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép. 

Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn. “Tôi mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp EU ủng hộ để Hiệp định sớm được ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng kỳ vọng, Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU vào thị trường ASEAN thời gian tới, hướng tới một nền thương mại tự do, công bằng và thuận lợi. 

Doanh nghiệp châu Âu “khát” thị trường gần 95 triệu dân

Tính bổ sung trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - EU đang tạo khí thế giao thương mạnh mẽ cho doanh nghiệp hai bên, khi EVFTA được thực thi. Ngoài ra, khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, thì thị trường tiêu dùng với gần 95 triệu dân thực sự là điểm đến lý tưởng của hàng tiêu dùng châu Âu, nhất là  nông sản, thực phẩm, sản phẩm thịt, sữa và dược phẩm.

Theo báo cáo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam: Góc nhìn từ Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố hôm 8/10 tại Brussels (Bỉ), gần như tất cả doanh nghiêp châu Âu mong đợi EVFTA sẽ được thông qua và thực thi vào năm 2019, hoặc sớm nhất có thể.

Gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, EVFTA sẽ tác động “mạnh mẽ” hoặc “nhẹ” đến hoạt động kinh doanh trung hạn hoặc dài hạn. Đa số tin rằng, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho rằng, EVFTA đem lại “lợi ích đôi bên” cho châu Âu và Việt Nam, với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, đây là động lực quan trọng để họ yên tâm rót vốn, đa dạng hóa thị trường.

Các doanh nghiệp châu Âu chỉ ra bức tranh tích cực, lạc quan với 85% dự đoán, EVFTA sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn tại Việt Nam.

Với đặc điểm ít mang tính cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU, nhiều sản phẩm từ EU như máy móc,  thịt bò, sữa, rượu vang, dược mỹ phẩm… đang chờ đến “thời điểm vàng” để vào Việt Nam. 

“Dự tính, EVFTA sẽ khiến nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 35 - 40%”, Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định và cho biết , nhiều công ty châu Âu sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Những chuyến đi của doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam ngày một dày hơn, đón đầu thời điểm EVFTA thực thi để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh đã cho thấy điều đó.

Ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm EuroCharm cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thay vì chỉ đặt văn phòng đại diện như trước đây.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và có thể lên đến trên 53 tỷ USD trong năm nay. 
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 4,31 tỷ USD) so với một năm trước đó và chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục