Hiện tượng đình lạm sẽ thống trị năm 2023 và gây áp lực lên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát gia tăng đi kèm với tăng trưởng kinh tế suy yếu (Stagflation - Đình lạm) là rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023, do đó kỳ vọng về một đợt phục hồi trên thị trường chứng khoán là quá sớm sau đợt bán tháo khốc liệt trong năm nay.
Hiện tượng đình lạm sẽ thống trị năm 2023 và gây áp lực lên thị trường chứng khoán

Gần một nửa trong số 388 nhà quản lý quỹ trong cuộc khảo sát mới nhất của MLIV Pulse cho biết, kịch bản tăng trưởng tiếp tục chậm lại trong khi lạm phát vẫn cao sẽ thống trị toàn cầu vào năm tới. Kết quả có thể xảy ra tiếp theo là suy thoái đi kèm với giảm phát, trong khi sự phục hồi kinh tế với lạm phát cao được xem là ít có khả năng xảy ra nhất.

Kết quả báo hiệu một năm đầy thách thức đối với các tài sản rủi ro sau khi ngân hàng trung ương đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát gia tăng và tác động của xung đột Nga-Ukraine đã kéo theo làn sóng bán tháo cổ phiếu xu tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường khắc nghiệt và khi chứng khoán tăng điểm trong quý IV, hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết các nhà đầu tư trên khắp thế giới vẫn đang quá lạc quan về giá tài sản.

Nicole Kornitzer, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quỹ Quốc tế Buffalo tại Kornitzer Capital Management cho biết: “Năm tới vẫn sẽ khó khăn. Chắc chắn, tình trạng lạm phát gia tăng đi kèm với tăng trưởng kinh tế suy yếu là triển vọng cho thời điểm hiện tại”.

Trong khi đó, khoảng 60% người tham gia khảo sát kỳ vọng đồng đô la sẽ suy yếu trong một tháng tới. Điều đó trái ngược với cuộc khảo sát trong tháng trước, khi gần một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tham gia vị thế mua đồng đô la. Sức mạnh của đồng bạc xanh đã ảnh hưởng đến một số loại tài sản trong năm nay, bao gồm các loại tiền tệ khác như đồng euro và chứng khoán của các thị trường mới nổi. Đồng đô la trượt giá có thể tạo ra nhiều cơ hội trong những gì được dự đoán là mờ nhạt vào năm 2023.

“Đồng đô la có thể sẽ suy yếu trong suốt năm 2023. Có thể không đáng kể, nhưng xu hướng có thể sẽ giảm. Một cuộc suy thoái ở Mỹ và xu hướng lãi suất sẽ là chất xúc tác chính cho đồng tiền này”, chiến lược gia Nicole Kornitzer cho biết.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào việc Fed bước sang năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng như thế nào do lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Đồng thời, chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc là một rủi ro khác đối với nền kinh tế toàn cầu khi các ca nhiễm tăng cao kỷ lục.

Hơn một nửa số người được khảo sát kỳ vọng chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2023 trong phạm vi thấp hơn hoặc cao hơn 10%. Điều đó phù hợp với kỳ vọng của Phố Wall, với các chiến lược gia tại Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America đều dự báo chỉ số S&P 500 tương đối không thay đổi trong khoảng 12 tháng kể từ thời điểm hiện tại.

Anneka Treon, Giám đốc điều hành của Van Lanschot Kempen cho biết: “Các nhà phân tích sẽ cần điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận. Chúng tôi cho rằng châu Âu sẽ chứng kiến sự suy giảm kinh tế, Mỹ có thể sẽ chỉ tăng trưởng khiêm tốn và Trung Quốc sẽ không còn đạt được tham vọng của riêng mình nữa”.

Trong số những rủi ro tiềm ẩn khác vào năm 2023 là sự phát triển của thị trường nhà đất ở Anh và Canada, với những người được khảo sát nhận thấy khả năng xảy ra sự cố ở những quốc gia này cao hơn 20% so với những quốc gia khác. Chi phí đi vay tăng vọt đang buộc một số người mua tiềm năng rời khỏi thị trường và thúc đẩy những dự đoán về sự sụt giảm giá nhà.

Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote cho biết: “Nửa đầu năm 2023 sẽ bị chi phối bởi câu chuyện lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, vào khoảng quý 3 và quý 4 năm sau, chúng tôi cho rằng quan điểm thị trường sẽ chuyển sang hướng tăng trưởng thấp và suy thoái”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục