Hiện thực giấc mơ xây thương hiệu khách sạn Việt

(ĐTCK) Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2017 vừa được Grant Thornton Việt Nam công bố đã chứng minh tầm nhìn xa của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản trong việc đầu tư xây dựng chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương mang tên Mường Thanh.
Thương hiệu Mường Thanh đã hiện diện ở khắp các tỉnh thành phố và vươn ra quốc tế Thương hiệu Mường Thanh đã hiện diện ở khắp các tỉnh thành phố và vươn ra quốc tế

Khảo sát của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, trong 3 năm liên tục (2014 - 2016), tỷ lệ khách nội địa lưu trú tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao liên tục tăng.

Riêng năm 2016, tỷ lệ này là 20,4%, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2014. Tại buổi họp báo công bố khảo sát nói trên, các chuyên gia cho biết, ngoài khả năng chi trả tăng lên, một số chuỗi khách sạn với nhiều phân khúc như Mường Thanh đã đem đến sự lựa chọn đa dạng hơn và được người Việt chọn ở rất nhiều.

Xu hướng trên đã cho thấy tầm nhìn xa và đầu óc nhạy bén kinh doanh của ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Thành lập từ năm 1992, năm 1997 xây dựng khách sạn đầu tiên là Mường Thanh Holiday Điện Biên Phủ, Mường Thanh đã liên tục đầu tư và mở rộng phát triển chuỗi lên 53 khách sạn vào năm 2018. Định hướng chiến lược của ông Thản và Mường Thanh trong đầu tư khách sạn là tập trung vào phân khúc khách sạn cao cấp, nhằm tạo ra các điểm lưu trú chất lượng cao, tiện ích cho người dân khắp cả nước, đồng thời vươn ra cả thị trường nước ngoài.

Ông Thản nói rằng, không có lý gì người nước ngoài đầu tư và quản lý được các khách sạn cao cấp mà người Việt Nam lại không làm được. Ông tin, nếu được đào tạo bài bản, được đầu tư và có định hướng đúng đắn, người Việt có thể quản lý, vận hành xuất sắc các khách sạn 4 - 5 sao, Việt Nam hoàn toàn có thể có các thương hiệu khách sạn Việt. Triết lý mà “đại gia điếu cày” tâm đắc là cung cấp sản phẩm cao cấp nhưng giá hợp lý cho thị trường, vì nhu cầu của người dân và cả du khách nước ngoài ở phân khúc này rất tiềm năng.

Trên hành trình 25 năm, Mường Thanh trải qua không ít khó khăn, nhưng vượt qua tất cả, giấc mơ thương hiệu Việt sánh ngang với những tên tuổi lớn trên thế giới đã trở thành hiện thực. Cho đến nay, thương hiệu Mường Thanh đã hiện diện ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và vươn ra quốc tế.

Thương hiệu Mường Thanh được chia làm 4 hạng: Luxury là nhóm khách sạn cao cấp được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao; Grand là nhóm khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao còn mới và dịch vụ tốt có số lượng tầng từ 20 trở lên hoặc nằm ở khu vực các đô thị; Holiday  là nhóm khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao có số tầng dưới 15 hoặc đặt tại các khu mang tính chất nghỉ dưỡng hoặc khu phố cổ; Mường Thanh là nhóm khách sạn còn lại theo tiêu chuẩn và đang trong kế hoạch nâng cấp, cải tổ.

Sau 2 năm triển khai kế hoạch tái nhận định thương hiệu, hiện nay, khách hàng đã có thể nhận diện rõ ràng các khối thương hiệu của Mường Thanh. Họ hiểu vì sao cùng là Mường Thanh mà các khách sạn lại có giá khác nhau và thuận lợi hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với kinh phí chi tiêu của mình.

Bên cạnh đó, đội ngũ kinh doanh dựa vào những đặc tính, phân cấp của khách sạn để có thể chủ động, linh hoạt đưa ra những mức giá hợp lý cho nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Hiệu quả kinh doanh của Mường Thanh nhờ đó được cải thiện rõ rệt.

Cùng với việc tái định vị thương hiệu, Mường Thanh đã phối hợp với các chuyên gia có kinh nghiệm đưa ra các bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề khách sạn SOPs, đồng thời triển khai đào tạo nhân sự bài bản theo chuẩn phân khúc của từng khách sạn. Chất lượng dịch vụ của các khách sạn do đó được nâng lên rõ rệt, tạo ra sự hài lòng ở khách hàng, bên cạnh cơ sở vật chất được định vị ngay từ tên mỗi khách sạn.

Tham gia chuyến công du tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G20 mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ, cô học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thú vị. Trong thời gian lưu trú tại Đức và Hà Lan, đoàn đều được sắp xếp ở các khách sạn thương hiệu quốc tế như Marriot và Hilton, với chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ đạt tiêu chuẩn cao.

Điều đặc biệt ở những khách sạn này là rất tối giản về trang trí nội thất. Họ cũng tinh gọn nhiều vị trí nhân viên như bộ phận hành lý, buồng phòng, lễ tân, nhà hàng…, do vậy khách hàng sẽ tự phục vụ nhiều hơn. Tuy nhiên, về sự nhiệt tình, niềm nở của nhân viên phục vụ thì rõ ràng tại châu Á cũng như Việt Nam vẫn có sự thân thiện, chu đáo hơn.

25 năm chưa phải là chặng đường dài của một thương hiệu, song cũng đủ độ chín để trưởng thành. Tự hào về ngôi nhà lớn thứ hai của mình, gắn bó và nỗ lực làm việc để đạt chất lượng cao nhất, nhiệt tình, hiếu khách, tình cảm chân thành, đó chính là đặc sản của Mường Thanh, thương hiệu khách sạn mang đậm tinh thần dân tộc Việt Nam.         

Minh Nhật

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục