Hiện đại hoá thể chế để “làm đẹp” môi trường kinh doanh

(ĐTCK-online) Những kết quả trong cải cách thể chế (CCTC) thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc kiến tạo một môi trường kinh doanh (MTKD) hấp dẫn hơn. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo bước đột phá trong cải thiện MTKD, tới đây Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên CCTC với những bước đi cụ thể, quyết liệt.
Khi có sự ngập ngừng trong cải cách thể chế ở một vài lĩnh vực thì DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư… Khi có sự ngập ngừng trong cải cách thể chế ở một vài lĩnh vực thì DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư…

3 đột phá

Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 21/1 có tựa đề “Các thể chế hiện đại”. “Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về CCTC. Thực tế chứng minh những bước tiến trong lĩnh vực này đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam. Bởi vậy, WB cùng với nhóm tư vấn các nhà tài trợ đã chọn chủ đề này, để một mặt đánh giá lại những gì Việt Nam đã đạt được trong CCTC, đồng thời đưa ra khuyến nghị nên tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này như thế nào để có thể gặt hái được những thành công lớn hơn trong tương lai”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam giải thích.

Dưới góc nhìn những thành quả của CCTC đã tác động mạnh mẽ làm tăng sức hấp dẫn của MTKD, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan dẫn chứng: sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực đã thực sự tạo bước đột phá trong trao quyền tự do kinh doanh vào tay người dân. Hay trong thời kỳ Việt Nam xây dựng các văn bản pháp lý, cũng như chấn chỉnh nhiều hoạt động quản lý để đáp ứng các điều kiện gia nhập WTO đã góp phần cải thiện khá mạnh mẽ MTKD. Kết quả là đã tạo ra làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ở khía cạnh ngược lại, một khi có sự ngập ngừng trong CCTC ở một vài lĩnh vực thì DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư

Từ thực tiễn như vậy, bà Lan cho rằng, để tiếp tục giải phóng các nguồn lực cho sự tăng tốc của Việt Nam, qua đó góp phần tăng sức hấp dẫn cho MTKD, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để tạo 3 đột phá trong CCTC thời gian tới, đó là: kiện toàn bộ máy quản lý, hiện đại hoá hệ thống xây dựng pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Theo bà Lan, việc sắp xếp lại bộ máy quản lý cần triển khai theo hướng đáp ứng các chuẩn mực của thể chế hiện đại. Nỗ lực giảm đầu mối cơ quan quản lý đã thành công bước đầu, nhưng việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này chưa đạt kết quả tương xứng. Hệ quả là số biên chế trong các cơ quan không giảm bao nhiêu, mà vẫn công kềnh, năng suất, chất lượng quản lý chưa được tăng cường. Nhiều chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý còn chồng chéo, trong khi cơ chế phối hợp kém, nên hiệu quả quản lý nhà nước trong không ít lĩnh vực còn hạn chế. Điều này đã tác động không lành mạnh đến cải thiện MTKD. Việc tăng cường phân cấp, kèm theo đó là cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình cụ thể cũng cần được tiến hành bài bản trong thời gian tới. Muốn hiện đại hoá hệ thống xây dựng pháp luật, việc cần làm đầu tiên là phải xác định được tư tưởng xây dựng chính sách thật rõ ràng. Chỉ có như vậy mới hình thành được hệ thống pháp luật đồng bộ, dễ thực thi. Cần giảm dần tình trạng luật muốn được thực thi phải phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn…

Việc cải cách thủ tục hành chính đang hứa hẹn sẽ có bước đột phá trong năm 2010, bởi nếu thực hiện thành công Đề án 30, thì sẽ cắt giảm được 30% thủ tục hành chính. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, qua khảo sát tại các tỉnh, nhiều địa phương cho biết, có những lĩnh vực có thể cắt giảm tới 40 - 50%, thậm chí 70 - 80% thủ tục hành chính. Nếu tỷ lệ này được cắt giảm trên thực tế, chắc chắn sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ MTKD, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, kinh doanh.

 

Lương không thể thấp hơn “bổng”

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình triển khai các cải cách trên, cần chú ý tiến hành đồng thời với cải cách tiền lương, nhất là hệ thống thang bảng lương trong các cơ quan quản lý nhà nước. Theo kết quả nghiên cứu của Ban nghiên cứu của Thủ tướng tiến hành cách đây ba năm thì lương chỉ chiếm 30% trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức.

Chừng nào cán bộ, công chức còn hưởng lương thấp hơn ‘bổng’, thì thực sự rất khó tạo động lực cho các cải cách. Chỉ khi họ sống được bằng lương mới hy vọng giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức. Bởi vậy, thời gian tới, Nhà nước nên tăng nguồn lực cho thực hiện cải cách tiền lương”, bà Lan đề xuất.

Chia sẻ quan điểm trên, ông James Anderson, chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của WB cho rằng, việc cải cách thành công hệ thống lương thưởng sẽ tạo động lực đáng kể cho Việt Nam thực hiện CCTC đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Tuy lương chưa hẳn là động lực chính cho cán bộ, công chức thực thi công vụ có trách nhiệm và chất lượng nhất, nhưng rõ ràng nó đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo xây dựng một bộ máy quản lý “sạch”, qua đó mới có thể nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước.

Trên thực tế, hệ luỵ của tình trạng lương thấp hơn “bổng” đang tác động không lành mạnh đến MTKD. Các chuyên gia cảnh báo, nếu doanh nghiệp thích ứng với tham nhũng đến mức độ trở thành bình thường và không còn là vấn đề, thì tham nhũng sẽ khó bị tiêu diệt và khi đó, nhiều nguồn lực của sự phát triển sẽ bị triệt tiêu.   

Hữu Hoè
Hữu Hoè

Tin cùng chuyên mục