Hiện đại hóa chuẩn phân ngành doanh nghiệp

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã tổ chức hội thảo giới thiệu chuẩn phân ngành Global Industry Classification Standard (GICS) và các chỉ số ngành đến các thành viên thị trường. 
HOSE sẽ ra mắt chỉ số ngành theo tiêu chuẩn GICS trong quý I/2016 HOSE sẽ ra mắt chỉ số ngành theo tiêu chuẩn GICS trong quý I/2016

Theo đại diện HOSE, trong bối cảnh hội nhập hướng đến chuẩn mực chung của khu vực và thế giới, TTCK Việt Nam cần áp dụng một chuẩn phân ngành quốc tế chuyên biệt cho môi trường đầu tư.

Ông Christopher Ryan, đại diện Tổ chức MSCI cho biết, chuẩn phân ngành GICS đang được hầu hết các Sở GDCK trên thế giới và các tổ chức nghiên cứu tính toán chỉ số quốc tế sử dụng. Hiện nay, hơn 43.000 công ty và 51.000 chứng khoán thuộc hơn 120 quốc gia, chiếm khoảng 95% giá trị vốn hóa thị trường quốc tế và đại diện cho khoảng 90% NĐT toàn cầu, được phân loại theo phương pháp GICS.

Có khoảng 9.600 tỷ USD được mô phỏng theo chỉ số MSCI và tất cả đều sử dụng chuẩn phân ngành GICS. Tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, chuẩn phân ngành GICS được sử dụng rất rộng rãi trong khối tổ chức đầu tư, ngân hàng và các công ty quản lý quỹ, với tổng tài sản quản lý dựa trên chỉ số MSCI đạt gần 400 tỷ USD.

Vừa qua, HOSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI, cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Theo thỏa thuận với MSCI, HOSE sẽ cung cấp miễn phí thông tin phân ngành doanh nghiệp đến nhóm ngành cho toàn thị trường. Dự kiến, HOSE sẽ ra mắt các chỉ số ngành theo chuẩn phân ngành GICS trong quý I/2016.

Theo HOSE, nhu cầu so sánh, phân tích chứng khoán theo ngành giữa các thị trường của NĐT ngày càng lớn. Cụ thể, đó là nhu cầu xây dựng các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số ngành và mong muốn có một bên thứ ba độc lập, minh bạch trong việc đánh giá, phân tích ngành.

Thực hiện nhu cầu này không những đáp ứng nhu cầu chính đáng của NĐT, mà còn là bước quan trọng để nâng hạng TTCK Việt Nam, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc xây dựng các chỉ số ngành còn giúp HOSE xây dựng một hệ thống dữ liệu chuyên biệt theo từng nhóm ngành, hỗ trợ cho việc quản lý, theo dõi, giám sát các công ty niêm yết theo từng ngành.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, hiện tại, độ rộng và tính đại diện của thị trường chưa cao, một số nhóm ngành chưa đáp ứng các tiêu chí đại diện để hình thành chỉ số riêng, hoặc đã đáp ứng nhưng còn rất mỏng.

Mặc dù vậy, chỉ số ngành là cần thiết cho TTCK Việt Nam vì có yếu tố phục vụ thị trường rất cao, giúp NĐT có cơ sở định hướng, đo lường khi quyết định đầu tư. Đối với những ngành có số lượng doanh nghiệp trong ngành ít, nhưng chỉ cần trên 5 doanh nghiệp và tỷ trọng ngành trên 1% thì hoàn toàn có thể xây dựng chỉ số ngành.

NĐT từ đó có được sự so sánh doanh nghiệp, cổ phiếu doanh nghiệp so với trung bình ngành, tức NĐT có phương tiện tham chiếu tốt và là chuẩn quốc tế nên góc nhìn sẽ “chuẩn” hơn.

Theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), chỉ số ngành ra đời cho phép các nhà quản lý quỹ sử dụng để xây dựng các sản phẩm đi kèm như quỹ đầu tư chỉ số, quỹ ETF. Từ đó, NĐT có thể sử dụng các quỹ này để đầu tư vào ngành nghề mà mình mong muốn, dựa trên báo cáo phân tích của các CTCK, ngân hàng, công ty tư vấn, hoặc của riêng mình. Chỉ số ngành ra đời cũng là cơ sở để HOSE xây dựng các sản phẩm chứng khoán phái sinh dựa trên chỉ số ngành.

Trên thế giới, ở các thị trường tài chính phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, có rất nhiều chỉ số ngành được các nhà quản lý quỹ sử dụng để xây dựng các quỹ chỉ số, quỹ ETF mô phỏng. Tuy nhiên, bà Hạnh cho biết, tại các thị trường nhỏ hơn thì quỹ ETF ngành chưa được nhiều NĐT quan tâm.

Chẳng hạn, tại TTCK Thái Lan, có 6 quỹ ETF mô phỏng chỉ số ngành trong tổng số 21 quỹ ETF được niêm yết (trung bình tài sản quản lý của mỗi quỹ ETF là 6 triệu USD), nhưng giá trị tài sản quản lý cũng như thanh khoản các quỹ ETF ngành rất thấp, chỉ khoảng 2 triệu USD/quỹ ETF ngành. Tại thị trường Singapore, chưa có quỹ ETF nào mô phỏng chỉ số ngành.

Nhiều quỹ đầu tư, CTCK băn khoăn về việc xếp loại ngành nghề chính theo GICS thì doanh nghiệp cần có tỷ trọng doanh thu 60%, vậy tại những doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực và mảng tiềm năng vẫn chưa đóng góp nhiều doanh thu sẽ phân loại như thế nào? Khi doanh nghiệp có thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì sẽ xử lý ra sao?

Thực tế trên khiến một số doanh nghiệp và NĐT tham dự hội thảo lo ngại, TTCK Việt Nam có thể rơi vào tình trạng tương tự, tức là NĐT sẽ không quan tâm nhiều tới các quỹ ETF dựa trên chỉ số ngành. Tuy nhiên, theo chuyên gia Huy Nam, chỉ số ngành là để phục vụ nhu cầu cầu tư nói chung, còn các sản phẩm được phát triển dựa trên chỉ số ngành là việc khác.

Mức độ tiếp nhận của NĐT tuỳ thuộc vào trình độ NĐT đạt đến mức nào. Khi thị trường chưa phát triển, khả năng đầu tư vào các sản phẩm phái sinh thời gian đầu khó có thể sôi động, nhưng về lâu dài, NĐT càng ngày càng chuyên nghiệp, họ sẽ có những đòi hỏi, yêu cầu đặt ra cao hơn đối với các CTCK khi tư vấn đầu tư.

Các CTCK phải đáp ứng nhu cầu của NĐT tốt hơn, chứ không khuyên mua và gợi ý bán theo cảm tính, theo phong trào, hay theo “đội lái”, hoặc đưa ra những bảng phân tích dài dòng. Do vậy, sự xuất hiện chỉ số ngành sẽ cung cấp thêm công cụ cho NĐT đo lường các quyết định đầu tư, các CTCK cũng sẽ thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc khuyến nghị, chẳng hạn khi thị trường “đỏ”, nhưng chỉ số ngành vẫn tốt thì CTCK sẽ khuyến nghị NĐT không bán tháo và ngược lại.

Tại hội thảo, nhiều quỹ đầu tư, CTCK băn khoăn về việc xếp loại ngành nghề chính theo GICS thì doanh nghiệp cần có tỷ trọng doanh thu 60%, vậy tại những doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực và mảng tiềm năng vẫn chưa đóng góp nhiều doanh thu sẽ phân loại như thế nào? Khi doanh nghiệp có thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì sẽ xử lý ra sao?

Đại diện MSCI cho biết, việc phân ngành sẽ sử dụng thông tin doanh thu dài hạn của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không công bố cơ cấu doanh thu một cách rõ ràng thì MSCI sẽ nhờ doanh nghiệp cung cấp thông tin.

MSCI tin tưởng, việc phân ngành đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nên các doanh nghiệp sẽ hợp tác trong việc cung cấp thông tin cụ thể. MSCI sẽ hạn chế thay đổi tiêu chí phân ngành ở mức thấp nhất, đồng thời thực hiện khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp và NĐT để thực hiện phân ngành hiệu quả nhất.

Đại diện MSCI cho biết thêm, khi tiêu chuẩn phân ngành GICS được áp dụng tại TTCK Việt Nam, MSCI sẽ tiến hành thông báo việc này tới hơn 6.000 NĐT tổ chức. Ngoài ra, MSCI sẽ có các chương trình cụ thể để Sở GDCK của các nước trong khối ASEAN gặp gỡ, trao đổi với các quỹ đầu tư.

Theo đại diện VFM, chỉ số ngành không chỉ là tham chiếu đánh giá và phân tích thị trường ở khía cạnh ngành nghề, mà còn là công cụ xây dựng sản phẩm đầu tư. Từ chỉ số ngành có thể xây dựng được các sản phẩm như quỹ ETF, quỹ chỉ số, chứng khoán phái sinh trên chỉ số ngành.

Do đó, HOSE xây dựng chỉ số ngành cần cân nhắc những tiêu chí để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Bên cạnh đó, một số tiêu chí trong quy tắc xây dựng chỉ số ngành, HOSE cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định như tỷ trọng vốn hóa, phương pháp tính toán chỉ số, bước sàng lọc thanh khoản chung của rổ cổ phiếu áp dụng.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục