Hết việc, không hết giờ

0:00 / 0:00
0:00
Trong một phiên họp, Quốc hội làm hết việc hay hết giờ. Đây có thể là một câu hỏi sẽ có câu trả lời ở kỳ họp thứ tư, khai mạc sáng mai (20/10).
Hết việc, không hết giờ

Ở kỳ họp với hơn 20 ngày làm việc này, bên cạnh việc chung là những vấn đề quốc gia đại sự, các vị đại biểu cũng sẽ dành thời gian cho “việc riêng” là sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội. Nhưng dù là “việc riêng”, thì nội dung này được trình ngay ngày đầu tiên của kỳ họp, được bố trí thảo luận ở tổ, sau đó mới ra hội trường như các nội dung khác. Bởi, với 31 nhóm vấn đề mới, nội quy kỳ họp sau sửa đổi được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Và, một trong những vấn đề, theo một số đại biểu nên được thảo luận sâu, là Quốc hội làm hết việc hay hết giờ.

Cần phải giải thích ngay rằng, hết việc hay hết giờ ở đây chỉ theo nghĩa trong một phiên họp cụ thể của Quốc hội.

Giờ làm việc của Quốc hội hiện được quy định cứng là từ 8h đến 11h30 (buổi sáng) và từ 14h đến 17h (buổi chiều). Quy định này khiến cho tại nhiều phiên thảo luận toàn thể danh sách đăng ký phát biểu còn đến vài chục người không có cơ hội thể hiện chính kiến.

Quy định này cũng tạo dư địa cho người điều hành phiên họp không mời đại biểu phát biểu theo thứ tự đăng ký, mà ưu tiên người đăng ký sau để có đủ đại diện của các đoàn (nhất là trong các phiên truyền hình trực tiếp thảo luận về kinh tế, xã hội).

Việc đó, đôi khi được cho là chưa thật hợp lý, bởi đại biểu phát biểu không chỉ là để đóng góp vào các quyết sách quan trọng, để cử tri giám sát, mà còn để có cơ hội thuyết phục đại biểu khác về những điều mình tin là đúng, là cần thiết cho công việc chung.

Vì thế, không phải vô cớ mà từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển (khi đó là Phó chủ tịch Quốc hội) đã đề nghị Quốc hội nên đổi mới cách thức làm việc theo hướng thảo luận hết ý kiến mới nghỉ. Thậm chí, nếu qua 18h mà vẫn còn nhiều việc, ông Hiển cho rằng, có thể bố trí cho đại biểu ăn nhanh tại chỗ rồi thảo luận tiếp, như nghị viện nhiều nước có thể thảo luận đến 23-24 giờ.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ủng hộ cách làm trên với lập luận ở nhiều nước, Quốc hội sáng đèn đến 19 - 20h là bình thường.

Nhưng, cho đến nay, các phiên họp của Quốc hội về cơ bản vẫn làm việc theo nguyên tắc hết giờ.

Tất nhiên, như vậy không phải Quốc hội không làm hết việc, theo nghĩa rộng hơn là hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, Quốc hội Khoá XV, lần đầu tiên đã tổ chức kỳ họp bất thường, đã làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội và tất nhiên là cả các cơ quan tham mưu, phục vụ luôn đặt yêu cầu hết việc lên trên hết giờ. Nhà Quốc hội, khi Quốc hội không họp, vẫn luôn sáng đèn đến nửa đêm.

Nhưng dù thế, việc Quốc hội chính thức trao quyền cho người điều hành phiên họp theo hướng kéo dài thời gian khi thời gian còn lại không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận, vẫn cứ là cần thiết. Khi đã trở thành nội quy, các đại biểu không còn phải “lo” ý kiến mình đã dày công chuẩn bị không được công bố. Bởi vì quyền phát biểu tại phiên họp là một quyền quan trọng của đại biểu, là phương thức thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

Vì thế, không chỉ cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, mà còn cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo đúng thứ tự đăng ký.

Kéo dài phiên họp cho đến khi hết việc là cần, nhưng chưa đủ để làm nên thành công của các kỳ họp.

Quốc hội chỉ thực sự làm hết việc khi đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao. Điều này đòi hỏi từng vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất luôn thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình với tinh thần hết việc, không hết giờ, không chỉ khi có cơ hội xuất hiện trong các phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục