Hết quý III/2018, tổng tài sản của SCB tăng 55.282 tỷ đồng so với đầu năm

(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố kết quả hoạt động quý III/2018. 
Hết quý III/2018, tổng tài sản của SCB tăng 55.282 tỷ đồng so với đầu năm

Theo đó, tổng tài sản của SCB đạt 498.508 tỷ đồng, tăng 55.282 tỷ đồng so với đầu năm, tiếp tục giữ vững vị trí top 5 ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh.

Bên cạnh đó, SCB cũng đã đạt được những con số ấn tượng trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, cho vay khách hàng đạt 297.989 tỷ đồng, tăng 33.838 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017; Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tính đến cuối tháng 9/2018 đạt 575 tỷ đồng, tương đương 124% so với kết quả thực hiện cả năm 2017.

Trong đó, đóng góp chính đến từ mảng thu dịch vụ thanh toán quốc tế, thẻ quốc tế và bảo hiểm, chiếm 64% tổng thu nhập dịch vụ của SCB. Cụ thể, tổng doanh số hoạt động thanh toán quốc tế đạt gần 3 tỷ USD, tương đương kết quả thực hiện của cả năm 2017; Doanh số giao dịch thẻ tín dụng đạt 8.352 tỷ đồng, bằng 144% kết quả thực hiện năm 2017; Doanh số bảo hiểm ước tính đạt 211 tỷ đồng, tương đương 152% kết quả thực hiện năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh trái phiếu chính phủ của SCB đạt được kết quả rất tích cực với lợi nhuận thu được là 429 tỷ đồng.

Ở chiều nguồn vốn, huy động thị trường 1 của Ngân hàng vào thời điểm cuối tháng 9/2018 tăng 53.470 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 407.282 tỷ đồng.

Được biết, từ giữa tháng 5/2018, SCB đã triển khai thêm sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với lãi suất hấp dẫn, chuyển nhượng linh hoạt. Đây là sản phẩm có đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng huy động của SCB và phù hợp với nhu cầu đa dạng của các khách hàng. 

Bên cạnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, SCB cũng rất chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, điển hình là từ cuối tháng 6/2018, SCB đã golive hệ thống Treasury – FIS Front Arena với mong muốn nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cũng như thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh.

SCB kỳ vọng với việc vận hành hệ thống Treasury sẽ giúp SCB tận dụng được các cơ hội thị trường, đồng thời quản trị hiệu quả hoạt động kinh doanh tiền tệ để mang về lợi nhuận tối đa cho Ngân hàng.

Ngoài ra, tháng 9/2018, SCB đã hoàn thành việc nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống Core Banking và Digital Banking phiên bản mới nhất của Oracle. Đây là nền tảng để SCB đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính cũng như mang đến những tiện ích mới nhất cho khách hàng.

Tính đến 30/9/2018, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 119 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 9/2018, SCB đã trích lập 2.528 tỷ đồng chi phí dự phòng, gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC, tăng gần 3 lần so với mức trích lập 890 tỷ đồng năm 2017.

Hiện nay, SCB vẫn duy trì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức thấp, lần lượt là 0,94% và 0,52%.

Với những kết quả đã đạt được trong 9 tháng qua, cùng lợi thế về hệ thống mạng lưới, đội ngũ nhân sự cùng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, SCB tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của cả năm 2018, đồng thời phát triển mạnh mẽ theo định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ – đa năng – hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Hà An

Tin cùng chuyên mục