Lợi nhuận khả quan hơn
BCTC quý III của 52/71 CTCK có vốn từ 100 tỷ đồng trở lên, không tính những trường hợp đang trong quá trình giải thể cho thấy, doanh thu môi giới cũng như tổng doanh thu của các công ty trong quý III và 9 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận lại khả quan hơn.
Trong 52 CTCK đã công bố BCTC quý III, 28 CTCK báo cáo lãi trong quý III/2013 với lợi nhuận trước thuế tổng cộng 429,42 tỷ đồng; 24 CTCK còn lại báo lỗ với tổng lỗ 57,71 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, trong nhóm này, có 37 công ty có lãi, với tổng lãi trước thuế đạt gần 1.500 tỷ đồng; 15 CTCK còn lại lỗ tổng cộng 87,3 tỷ đồng.
CTCK Sài Gòn (SSI) có lợi nhuận quý III/2013 cao nhất, đạt gần 63 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. SSI cũng chiếm vị trí “quán quân” của khối CTCK về lợi nhuận 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế 311,4 tỷ đồng, mặc dù kết quả này vẫn thấp hơn cùng kỳ xấp xỉ 52,8 tỷ đồng. Quý III vừa qua, SSI là CTCK đứng thứ hai về thị phần môi giới trên HOSE (10,66%) và thứ tư trên HNX (6,12%).
Ở chiều ngược lại, CTCK có kết quả kinh doanh tệ nhất quý III/2013 là CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), với lợi nhuận trước thuế âm 9,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, tình trạng thua lỗ của CTCK này đã được cải thiện khá nhiều, khi quý III năm ngoái, SHS lỗ 59,1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, SHS lãi 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 28 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng thì CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) có kết quả kinh doanh tệ nhất trong nhóm. DAS đã lỗ tổng cộng 19,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, sau khi lỗ trên 30 tỷ đồng trong năm 2012. Ngân hàng mẹ DongA Bank (tại ĐHCĐ diễn ra hồi cuối tháng 4/2013) đã tuyên bố sẽ tái cơ cấu DAS trong năm nay.
Đáng chú ý, trong quý III, CTCK Kim Long (KLS) lãi 24,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này lỗ 101,3 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, Công ty lãi 118,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 41,5 tỷ đồng. Đây là một bước đột phá khó có thể tìm thấy trong số các CTCK. Trong quý III/2013, KLS đã chi ra hơn 137 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ. Tiền mặt của KLS tại thời điểm cuối tháng 9 vẫn còn hơn 1.210 tỷ đồng.
Nhiều CTCK cạn tiền
Nhìn một cách tổng thể, đến cuối tháng 9/2013, số dư các khoản đầu tư tính theo nguyên giá (không tính đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết) của 52 CTCK như đã đề cập giảm nhẹ so với đầu năm, nhưng tiền và các khoản tương tăng gần 19%. Tuy nhiên, một số CTCK lại có dấu hiệu cạn tiền hoặc rơi vào trường hợp tiền nhiều, nhưng lại không phải của mình.
Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của 52 CTCK đã công bố BCTC quý III/2013 (Đv: tỷ đồng)
Chẳng hạn, CTCK Viễn Đông (VDSE) tại thời điểm 30/9/2013 có số dư tiền hơn 600 triệu đồng, trong khi hồi đầu năm, khoản mục này có số dư là hơn 4 tỷ đồng. Hay DAS có số dư tiền cuối tháng 9/2013 xấp xỉ 50 tỷ đồng, nhưng trong đó có tới 48 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư. Tương tự, tại các CTCK VSM, NSI, PGSC, IVS, SeASecurities, TVSI, OCS, SHBS, VDSC, PSI và DVSC… tiền của nhà đầu tư cũng chiếm chủ yếu trong tổng tiền và tương đương tiền. Cá biệt, CTCK VSM có số dư tiền và tương đương tiền chỉ có 1,24 tỷ đồng thì trong đó, tiền của Công ty chỉ chiếm 80 triệu đồng. Hay NSI, PGSC chỉ còn lần lượt 570 triệu đồng, 950 triệu đồng tiền ròng trong tổng số 13,17 tỷ đồng và 50,11 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.
Tiền của NĐT trong tổng tiền của một số CTCK (Đv: tỷ đồng)
Ở xu thế ngược lại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) có số dư tiền và tương đương tiền tăng từ mức 470 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.266 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý III. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khoản tiền đặt cọc mua trái phiếu chính phủ tại CTCK này tăng từ mức 330 tỷ đồng lên 1.048 tỷ đồng trong giai đoạn trên.
CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) có số dư tiền tăng từ hơn 264,3 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm lên gần 1.438,4 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2013, nhưng trong giai đoạn này, VietinBankSC cũng phát sinh một khoản “phải trả phát hành thêm” lên tới hơn 1.115,5 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC của VietinBankSC không giải thích khoản “phải trả phát hành thêm”.
Những trường hợp “đặc biệt”
“Soi” BCTC quý III của 52 CTCK, không khó để phát hiện ra những khoản phát sinh rất đặc biệt ở một số CTCK, nhưng thuyết minh BCTC lại không cung cấp nhiều thông tin về những khoản mục này.
BCTC quý III/2013 của CTCK Beta cho thấy, cuối quý III, khoản vay ngắn hạn của Công ty đã tăng thêm 97,2 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong khi các khoản phải thu khác cũng tăng tương ứng gần 95,3 tỷ đồng, lên gần 734,8 tỷ đồng. Thuyết minh chỉ cho biết đây là những khoản phát sinh từ các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý, Beta hiện đang có nợ vay ngắn hạn và dài hạn tổng cộng xấp xỉ 550 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 400 tỷ đồng. Tiền mặt của CTCK này tại thời điểm cuối tháng 9/2013 là 10 tỷ đồng.
Cũng trong quý III/2013, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đã giảm 300 tỷ đồng nợ vay dài hạn cùng với hơn 17 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, số dư nợ vay tại thời điểm cuối quý vẫn còn rất lớn, 1.740 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 800 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng các khoản tiền thu, chi “khác” lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm tổng cộng lên đến hơn 26.440 tỷ đồng và 26.246 tỷ đồng, bằng khoảng 43% tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên HNX trong cùng giai đoạn.
Một trường hợp đặc biệt khác đó là CTCK Nam An (NASC). Tổng doanh thu quý III/2013 của CTCK này chỉ có hơn 17 triệu đồng; luỹ kế 9 tháng chưa tới 647 triệu đồng. Kể từ khi thành lập vào năm 2007 đến nay, chưa năm nào NASC có lãi. 9 tháng đầu năm nay, Công ty lỗ hơn 2 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 71 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NASC là 140 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn hơn 68,8 tỷ đồng.