9 tháng đầu năm, tín dụng của Vietcombank (VCB) chỉ mới đạt mức tăng trưởng 4%. Một số ngân hàng khác như VietinBank, Eximbank, DongA Bank… dư nợ tín dụng cũng mới dương vài phần trăm. Còn ở hầu hết nhà băng nhỏ đến cuối tháng 9, tín dụng vẫn trong tình trạng âm, như SouthernBank, Navibank, PGBank.
Điển hình một số ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ khá hơn, như Sacombank, HDBank, NamA Bank, thì phần lớn tín dụng được tăng từ khối khách hàng cá nhân.
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn quá khắt khe trong việc khống chế “room” tăng trưởng dư nợ, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, nếu nhà băng có nhu cầu và xét thấy điều kiện phù hợp, NHNN sẽ đồng ý cho ngân hàng nâng hạn mức. NamA Bank là một điển hình, sau khi xin nâng “room” lên 30%, đến cuối tháng 9 nhà băng này đã sử dụng hết hạn mức và tiếp tục xin tăng thêm để cho vay.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía NHNN, để kích cầu tín dụng, bản thân các nhà băng cũng thực hiện bằng nhiều cách.
Trong đó, giãn nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, thậm chí nhiều nhà băng còn chấp nhận cho vay mới đối với khách hàng đã có vết “đen” về nợ xấu để có thể tái sản xuất - kinh doanh và trả nợ cũ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, dù đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng tín dụng của khối khách hàng DN vẫn không có nhiều cải thiện, tăng trưởng tín dụng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khối khách hàng cá nhân.
Tại DongA Bank, dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm nay mới tăng 1,2%. Theo lãnh đạo DongA Bank, nguyên nhân là do nhu cầu vốn của DN không có.
Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng DN của ACB cũng cho biết, thời điểm hiện tại, DN cân nhắc trước khi quyết định vay vốn không phải vì áp lực về lãi suất, mà quan trọng hơn chính là không tạo được đầu ra cho sản phẩm, do sức mua của thị trường yếu.
Phó tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho rằng, lãi suất hiện đã được điều chỉnh giảm về mức hợp lý, đối với lĩnh vực xuất khẩu, lãi suất cho vay của Ngân hàng thậm chí còn xuống dưới cả trần huy động 7%/năm. Tuy nhiên, tín dụng 9 tháng của Eximbank cũng chỉ mới đạt được phân nửa kế hoạch của năm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, ước đến cuối tháng 10/2013, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố mới đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2% so với đầu năm. Để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với DN trong mùa kinh doanh cuối năm, theo ông Minh, ngoài việc giảm lãi suất, cơ cấu nợ, hiện các ngân hàng còn cho cả DN có nợ xấu vay mới nếu xét thấy dự án sản xuất - kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên, để kỳ vọng được mục tiêu tín dụng 12% cho năm nay, theo ông Minh cũng sẽ khó khăn.
“Tín dụng đã được cải thiện và có dấu hiệu tăng trưởng, nhưng muốn đạt được mục tiêu đề ra thì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng phải đạt mức tăng trưởng ít nhất từ 1,5 - 2% là điều không dễ”, ông Minh nói.
Trao đổi với ĐTCK, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, vấn đề đối với DN hiện nay không còn là lãi suất, mà chính là sức tiêu thụ của thị trường để hàng hóa làm ra có thể bán được.
Do đó, theo TS. Kiêm, cần thiết hơn nữa các chính sách kích cầu được đưa ra từ Chính phủ, nhưng cũng cần có thời gian và độ trễ để các chính sách này phát huy tác dụng.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng hiện nay, TS. Kiêm cho biết, không dễ đạt được mục tiêu, song nếu tình hình dư nợ trong quý còn lại của năm được cải thiện tốt thì khả năng tín dụng toàn ngành năm nay sẽ đạt khoảng 10%.
“Năm 2014, tín dụng của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn, khi hoạt động của các DN có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là làm thế nào để giải quyết được nợ xấu, khơi dòng chảy vốn. Hiện VAMC đang tích cực trong vai trò xử lý nợ xấu, nhưng để thành công cần phải có thị trường mua bán nợ”, TS. Kiêm nói.