Nợ công tăng nhanh không quá đáng ngại nếu như GDP tăng đạt kế hoạch như bài toán vốn được xác lập tương ứng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công kém hiệu quả, như đánh giá của Chính phủ là vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn, nên GDP đã bị hụt so với kế hoạch, dẫn đến càng làm cho nợ công tăng nhanh.
Tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,9%, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ở mức 7%. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt được trên thực tế hụt so với kế hoạch không chỉ trong giai đoạn này, mà còn tái diễn trong năm 2016, khi mục tiêu tăng trưởng là 6,7%, nhưng thực tế chỉ đạt 6,21%.
Tăng trưởng GDP giảm tốc trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, theo đánh giá của Chính phủ, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nợ công, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, nên Chính phủ phải trả nợ thay, điển hình như Dự án Giấy Phương Nam và trước đây là các dự án xi măng: Hạ Long, Ðồng Bành (sau khi xử lý các doanh nghiệp đã trả nợ được cho Chính phủ)…
Thực trạng trên cho thấy, việc thực hiện mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vừa gây áp lực tăng nợ công, vừa khiến nền kinh tế phải trả những cái giá không hề rẻ. Ðáng nói là dư địa cho tăng vốn đầu tư công để đáp ứng cho tăng trưởng GDP ở mức khá cao, trên 6% trong năm nay và những năm tiếp theo, đang ngày một trở nên eo hẹp.
Giải bài toán này đang là thách thức lớn cho các cấp, các ngành, nhất là trong bối cảnh mô hình tăng trưởng GDP dựa vào vốn, chi phí lao động rẻ, khai thác tài nguyên…, theo đánh giá của các chuyên gia, chưa có những chuyển biến rõ nét, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực.
Ðể có lời giải tối ưu cho bài toán trên, các đại biểu Quốc hội hối thúc Chính phủ cần có các giải pháp đột phá để kiểm soát nợ công tăng nhanh như: thống nhất một đầu mối quản lý nợ công theo thông lệ quốc tế, tách nợ của doanh nghiệp nhà nước ra khỏi nợ công, làm rõ hơn trách nhiệm quản lý và sử dụng nợ công…
Cắt giảm vay nợ là việc cần thiết, nhưng sẽ là chưa đủ nếu không có giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Muốn vậy, việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như cách Chính phủ đang theo đuổi, để vừa tạo nguồn cho thanh toán các khoản nợ cũ để giảm nợ công, vừa tránh áp lực làm tăng các khoản vay mới là giải pháp cấp bách cần thực hiện một cách quyết liệt.