Lãi suất, tỷ giá: Khó duy trì sự ổn định
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dù lãi suất huy động của một số ngân hàng công bố giảm, nhưng không ít nhà băng đang âm thầm tăng lãi suất.
Điều này không khó giải thích, bởi một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn khi tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền về thời gian qua cho thấy, thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, nhưng vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam là thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi không giảm nhiều, thậm chí còn tăng do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng lớn”, vị tổng giám đốc trên cho biết.
Một điều đáng chú ý trong cuộc trao đổi của Đầu tư Chứng khoán với nhiều ngân hàng đó là nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất bởi các tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro không nhỏ. Trong khi đó, tỷ lệ lãi cận biên của các tổ chức tín dụng còn ở mức khiêm tốn. Do vậy, dù muốn nhưng các tổ chức tín dụng không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.
Về vấn đề tỷ giá, dù NHNN đã mua vào được lượng ngoại tệ lớn giúp tăng dự trữ ngoại hối, nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất liên tục trong thời gian qua và sắp tới, đồng USD tăng giá đã đẩy tỷ giá của USD so với đồng tiền của nhiều quốc gia tăng lên, trong đó có Việt Nam.
Chưa kể, tỷ giá còn bị tác động bởi một số yếu tố bất lợi như lạm phát được dự báo đi lên trong nửa cuối năm, nhập siêu đã quay trở lại vào tháng 5 và dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm dẫn đến cầu về ngoại tệ tăng.
“Khi lãi suất đồng USD tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên, có khả năng một phần dòng ngoại tệ sẽ chảy ra nước ngoài để kiếm lời. Hiện tại, lãi suất VND trên thị trường ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, điều này có thể sẽ khuyến khích người gửi tiền chuyển đổi sang ngoại tệ khi USD tăng giá. Do đó, việc duy trì lãi suất USD bằng 0%/năm cũng có thể là lực đẩy khiến tỷ giá tăng lên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Việc điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện như chủ trương của Chính phủ đang đặt NHNN đứng trước những khó khăn, thách thức khi mà thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn vào/ra biến động khó lường, xuất phát từ những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Fed; xu hướng bảo hộ thương mại, nguy cơ chiến tranh thương mại...”.
Rủi ro tín dụng: Nỗi lo vẫn hiện hữu
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất vẫn là những vấn đề tâm điểm các ngân hàng cần quan tâm trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng.
Hiện nay, tăng trưởng tín dụng cao và chuyển đổi sang đối tượng khách hàng cá nhân, thay vì bất động sản, đã phần nào giảm bớt rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến, trong khi độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp, dẫn đến việc ngân hàng và các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay.
Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, những ngân hàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp nhiều rủi ro tiềm ẩn. Chưa kể đến những quan ngại cho rằng, tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù đã giảm tốc vào quý đầu năm 2018, nhưng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn ở mức khá cao. Tính đến hết quý I/2018, tổng tín dụng khu vực ngân hàng ước tăng 3,6% so với đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hàm lượng tín dụng/GDP tương đối cao - bằng khoảng 130% GDP vào cuối năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng 1,4 lần so với tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành.
Theo WB, hàm lượng tín dụng cao so với GDP ở Việt Nam cho thấy, khu vực tài chính vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng khi thị trường vốn còn tương đối kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể gây rủi ro về ổn định khu vực ngân hàng, nhất là với những yếu kém còn tồn tại trên bảng cân đối và hệ số vốn còn mỏng ở một số nhà băng. Đặc biệt, dù tăng trưởng tín dụng thực đã giảm nóng ở Trung Quốc và đã được kiềm chế ở các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng vẫn tiếp tục đi lên ở Việt Nam.
“Thanh khoản dồi dào có thể tạo áp lực lên thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn cầu và tăng trưởng tín dụng trong nước được duy trì ở mức cao”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nói.
Xử lý nợ xấu: Đợi hướng dẫn cụ thể
WB cho rằng, ưu tiên hiện nay đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là xử lý các vấn đề tồn tại về chất lượng tài sản trong khu vực này. Trước đó, Nghị quyết số 42 của Quốc hội (có hiệu lực từ tháng 8/2017) là một bước tiến lớn về xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nhằm trao thêm thẩm quyền xử lý nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nghị quyết cho phép các ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp nếu bên vay liên quan không hợp tác, qua đó xử lý được lỗ hổng pháp quy trước đây.
“Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng theo báo cáo chính thức tương đương 2,3% tổng tài sản của ngân hàng vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh được một phần những thách thức về chất lượng tài sản trong hệ thống vì chỉ tiêu này chưa bao gồm tài sản xấu do VAMC nắm giữ. Nếu gộp cả nợ xấu của VAMC và nợ xấu tiềm năng, tổng tài sản xấu trong khu vực ngân hàng theo ước tính rơi vào khoảng 7,36%”, WB nhận định.
Đồng quan điểm trên, TS. Hiếu cho rằng: “Mặc dù các ngân hàng đã bán nợ cho VAMC nhưng những khoản nợ này đa phần chưa được giải quyết. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 nhưng các tổ chức tín dụng chưa thể triển khai quyết liệt”.
Đề cập đến khó khăn, thách thức của VAMC, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC chia sẻ một minh chứng cụ thể. Theo đó, Nghị quyết 42 đã trao cho tổ chức tín dụng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm, tuy nhiên, điều kiện lớn nhất để tổ chức tín dụng, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm là tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Trong thực tế phần lớn Hợp đồng bảo đảm đã ký trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (1/1/2017), giữa tổ chức tín dụng và khách hàng đều không có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, chỉ quy định chung chung như “…Bên nhận thế chấp được xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật…” hoặc “…Bên nhận thế chấp được toàn quyền bán tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay…”.
“VAMC cần cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với Hợp đồng bảo đảm chỉ có nội dung thỏa thuận như trên”, ông Thắng nói.