Thông tin từ NHNN cho biết, đến 22/9/2016, tín dụng tăng trưởng 10,64% so với 31/12/2015, đây là năm thứ 2 liên tiếp tín dụng có mức tăng trưởng dương và tăng đều ngay từ đầu năm, trong đó tăng chủ yếu ở tín dụng nội tệ (11,65%), dư nợ ngoại tệ tăng 1,62%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc đẩy mạnh chính sách tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tín dụng cho các hộ nghèo của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là chủ trương được Thống đốc và ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể, thông qua việc ban hành và triển khai cơ chế chính sách tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, mở rộng phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực.
Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm vốn để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, có cơ hội cho con em đi học. Song song với đó, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống; góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Số liệu NHNN cho biết, đến 31/8/2016, nguồn vốn huy động tại khu vực Tây Bắc đạt 147.472 tỷ đồng, tăng 11,04% so với cuối năm 2015; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 10,75% so với 31/12/2015. NHNN đã phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong khu vực triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng, phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Tính đến quý II/2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc đã tổ chức được 82 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình đạt hơn 46.275 tỷ đồng cho 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 DN). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ 7.554 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình đã giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều DN sản xuất kinh doanh tại các tỉnh của khu vực Tây Bắc.
Còn tại địa bàn Tây Nguyên, tính đến 30/9/2016, nguồn vốn huy động tại khu vực này ước đạt 116.801 tỷ đồng, tăng 20,47% so với cuối năm 2015 (mức tăng trưởng huy động vốn của cả nước là 10,93%); tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên ước đạt 206.913 tỷ đồng, tăng 11,35% so với 31/12/2015.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã được triển khai trên tất cả 5 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên với 32 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ dân… Tính đến hết quý 2 năm 2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 40.000 tỷ đồng cho khoảng 3.500 khách hàng DN; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 200 DN.
Tính đến ngày 31/8/2016, huy động vốn của cả vùng Tây Nam Bộ ước đạt 369.618 tỷ đồng, tăng 16% so với 31/12/2015. Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến ngày 31/8/2016 ước đạt 404.977 tỷ đồng, tăng 5,2% so với 31/12/2015, chiếm 7,9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Còn chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã và đang được các TCTD tích cực triển khai. Được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2014, đến nay đã có 50 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và DN đã được tổ chức tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp cho DN như: tăng hạn mức tín dụng, cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất và cho vay mới để các DN tiếp tục sản xuất. Kết quả đã có 6.800 DN đã được các ngân hàng cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 71.600 tỷ đồng thông qua các hình thức hỗ trợ, trong đó cam kết cho vay mới đạt 66.000 tỷ đồng.