Hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, chờ… 15 năm nữa!

(ĐTCK) Hội thảo “20 năm cải cách hệ thống kế toán Việt Nam” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức cuối tuần trước đã thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành tham dự.
Hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, chờ… 15 năm nữa!

PGS. TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xây dựng hệ thống kế toán tương đồng với thông lệ quốc tế.

Doanh nghiệp niêm yết sẽ tiên phong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế

Đánh giá cao tinh thần cải cách hệ thống kế toán - kiểm toán của Chính phủ trong hai thập niên qua, với việc hành lang pháp lý cho lĩnh vực kế toán dần được hoàn thiện với việc Luật Kế toán, Kiểm toán độc lập và hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán, chế độ kế toán doanh nghiệp được ban hành trên cơ sở tham khảo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, dần đưa hoạt động kế toán vào nền nếp, nhưng các đại biểu tham dự Hội thảo cũng chỉ ra sự tụt hậu của hệ thống kế toán Việt Nam.

Dẫn lại nhận xét của bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt hồi năm 2010, rằng “Việt Nam có hệ thống kế toán không giống ai, thế giới nhìn vào không ai tin và không ai hiểu”, PGS. TS. Nghiêm Văn Lợi, Trưởng khoa Kế toán, Đại học Lao động Xã hội cho rằng, hệ thống kế toán Việt Nam cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là khi Việt Nam sắp tham gia Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, với việc tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như mở cửa thị trường lao động, thừa nhận chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán lẫn nhau giữa các nước thành viên.

Nhìn ra khu vực, một số quốc gia như Malaysia, Singapore đã áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Hệ quả của hệ thống kế toán “không giống ai” hạn chế trong việc tiếp cận thông tin tài chính đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Còn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam phải lập hai loại báo cáo tài chính (BCTC), một theo chuẩn mực kế toán Việt Nam để báo cáo cơ quan quản lý Việt Nam (thuế) và một báo cáo theo chuẩn mực kế toán quốc tế để đáp ứng yêu cầu hợp nhất BCTC với công ty mẹ ở chính quốc.

Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Thái Hùng cho biết, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), nhưng vận dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Để tiến tới hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, để chuẩn mực kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kế toán sửa đổi. Tinh thần sửa đổi mấu chốt nhất trong Luật là thay thế nguyên tắc giá gốc bằng nguyên tắc giá thị trường trong hạch toán kế toán.

Dự thảo này dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây và dự kiến thông qua trong năm 2016. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính cập nhật các chuẩn mực kế toán, ban hành thêm các chuẩn mực mới, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Nhận định nền kinh tế thị trường ở nước ta còn trong giai đoạn non trẻ, vẫn còn tồn tại những yếu tố chưa thực sự theo quy luật thị trường, ông Hùng cho rằng, trong điều kiện đó, hệ thống kế toán - kiểm toán Việt Nam chưa thể tương đồng ngay với thông lệ kế toán tiên tiến trên thế giới.

Bộ Tài chính đang tính đến phương án áp dụng chuẩn mực lập và trình bày BCTC (IFRS) trước tiên với khối doanh nghiệp niêm yết, đối tượng chịu yêu cầu cao hơn về minh bạch thông tin; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp không thuộc hai đối tượng trên nhưng có nhu cầu áp dụng.

“Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 hướng đến mục tiêu tổng quát là tạo lập hệ thống kế toán - kiểm  toán Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dần hoàn thiện với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có một hệ thống kế toán - kiểm toán đích thực của nền kinh tế thị trường, tương đồng với thông lệ quốc tế”, ông Hùng nói. Như vậy, để hệ thống kế toán thực sự tương đồng với thông lệ quốc tế, sẽ còn phải chờ tới… 15 năm nữa.

Khoảng trống kế toán quản trị

Một khoảng trống lớn trong hệ thống kế toán tồn tại trong hai thập kỷ cải cách hệ thống kế toán, được nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo chỉ ra. Đó là sự “bỏ lơ” vai trò của kế toán quản trị.

Theo phân tích của PSG.TS Nghiêm Văn Lợi, từ cơ quan hoạch định chính sách đến các trường đại học đều chưa nhận thức đúng vai trò của kế toán quản trị, mà chỉ tập trung vào kế toán tài chính. Trong khi có cả hệ thống văn bản hướng dẫn người làm kế toán lập BCTC thì hầu như thiếu vắng hoàn toàn những quy định về kế toán quản trị.

Trong các trường đại học, kiến thức kế toán quản trị cũng chỉ được đề cập qua loa, sơ sài và đều là những kiến thức rất cũ. Điều này dẫn đến tình trạng người làm kế toán trong doanh nghiệp chỉ mải mê với các định khoản nợ - có, lập BCTC và “coi thế là giỏi”, mà thiếu đi việc hỗ trợ cho lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược. Trong khi đó, báo cáo tài chính chỉ cung cấp những thông tin quá khứ, phục vụ cho mục tiêu quản lý của cơ quan thuế và cổ đông doanh nghiệp.

“Chính hệ thống kế toán quản trị yếu kém là nguyên nhân thất bại của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua”, ông Lợi nhận xét.

Cùng quan điểm với ông Lợi, chuyên gia kế toán Bùi Văn Mai cũng cho rằng, hầu như cơ quan quản lý chưa có sự quan tâm đến kế toán quản trị. Tuy nhiên, theo ông Mai, kế toán quản trị là một lĩnh vực rất phức tạp, không chỉ dừng lại ở những kỹ năng tính toán thông thường, mà đòi hỏi khả năng phân tích, dự báo rủi ro, vì vậy, khó có một hướng dẫn cụ thể để áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp.

“Mỗi kế toán trưởng cần tự trau dồi cho mình những kỹ năng phân tích, dự báo để hỗ trợ cho việc lập chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là những kỹ năng cần thiết của người làm kế toán trong bối cảnh kinh doanh biến đổi không ngừng”, ông Mai nói.

Hằng Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục