Hệ thống chính trị: Từ truyền cảm hứng đến tạo động lực cho sự phát triển bứt phá

Tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm cải thiện rõ rệt về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có thể được coi là mệnh lệnh của sự phát triển.
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Khát vọng vươn mình

Cho đến nay, các cụm từ “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã trở thành những từ khóa phổ biến, không chỉ là một “slogan” đầy hấp dẫn cho các chuyên mục, diễn đàn thảo luận trên các phương tiện truyền thông ở nước ta, mà còn thường xuyên xuất hiện trong các bài viết, phát biểu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ trung ương đến các địa phương.

Ý tưởng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đặc trưng bởi sự phát triển bứt phá để vươn lên một tầm cao mới, xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 13/8/2024 trong các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp với Thường trực tiểu ban văn kiện chuẩn bị cho đại hội Đảng lần thứ XIV. Kể từ sau đó, nội hàm và ý niệm liên quan đến “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” từng bước được trình bày toàn diện và hoàn chỉnh hơn thông qua các thảo luận tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, đặc biệt là các bài trình bày của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được xác định là đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn phát triển sắp tới là đưa đất nước gia nhập nhóm các quốc gia đang phát triển, có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và đạt tới trình độ quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Như vậy, đích đến sâu xa cho các nỗ lực bứt phá phát triển mà Đảng và Nhà nước đang quyết tâm thực hiện trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là hướng đến thay đổi hẳn vị thế quốc gia của Việt Nam trên bình diện khu vực và toàn cầu.

Vị thế quốc gia là một ý niệm chính trị - xã hội học được tạo nên bởi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, cả định lượng (khách quan) cũng như định tính (chủ quan). Vì thế, Việt Nam rõ ràng cần nỗ lực rất lớn và liên tục để có thể từng bước cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng cũng như mức độ thừa nhận của cộng đồng quốc tế, từ đó gia tăng mức độ quyền lực, uy tín, ảnh hưởng đối với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác.

Xét đến các điều kiện hiện tại, những mục tiêu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới được đánh giá là rất tham vọng. Tuy nhiên, những thành tựu phát triển đất nước sau gần 40 năm đổi mới, cũng như các bài học về phát triển trong thời gian ngắn của các quốc gia trong khu vực Đông Á giúp gia tăng tính thuyết phục cho quyết tâm và các kế hoạch bứt phá của Việt Nam.

Truyền cảm hứng

Không chỉ dừng ở những tuyên bố về kỷ nguyên mới cùng những mục tiêu đầy quyết tâm, trong những tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên tục có những phát ngôn “nhìn thẳng vào sự thật”, nêu bật những vấn đề nổi cộm nhất cần sớm giải quyết, nhấn mạnh sự nhất quán giữa chủ trương của Đảng với hành động của Nhà nước, cũng như sự đồng thuận và ủng hộ rất cao trong xã hội. Chính những phát ngôn không lảng tránh thực tế đó đã khích lệ và nuôi dưỡng cảm hứng cũng như lòng tin của cán bộ, đảng viên, và nhân dân về một quyết tâm sắt đá cùng nỗ lực hành động để thay đổi vị thế của đất nước và dân tộc.

Trên phương diện hành động, sự kiện đáng chú ý nhất và vẫn đang truyền cảm hứng nhất là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được triển khai thần tốc từ cuối tháng 11 năm 2024. Được hình thành và hoạt động từ năm 1945, hệ thống chính trị nước ta bao gồm ba khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay và trước nhu cầu phát triển bứt phá của đất nước, hệ thống chính trị đã bộc lộ nhiều vấn đề có thể cản trở sự phát triển, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nêu ra trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”: “Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Chính vì thế, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm cải thiện rõ rệt về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có thể được coi là mệnh lệnh của sự phát triển. Trong gần 3 tháng vừa qua, những chuyển động quyết liệt và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước đã và đang chứng minh cho sự nhất quán giữa “nói và làm”, “quyết tâm, ý chí chính trị và hành động thực tế”. Sự gương mẫu, đi đầu của các cơ quan Đảng cũng như các cơ quan trung ương đã bảo đảm cho các kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy được triển khai nghiêm túc, nhất quán.

Thực tế nêu trên đã và đang tạo ra khí thế tích cực và niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên cũng như các lực lượng xã hội về một quyết tâm làm mới và tiếp thêm sinh khí cho hệ thống chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, hướng về các mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự vận hành của hệ thống chính trị không chỉ truyền cảm hứng mà còn phải tạo động lực phát triển cho các lực lượng trong xã hội.

Tạo động lực

Động lực là những tác nhân, yếu tố ẩn sau mỗi hành động của cá nhân hay tổ chức, lý giải vì sao họ lại làm việc gì đó. Trong cuộc sống hàng ngày, động lực hình thành dựa vào sự tổng hòa các yếu tố đa dạng, như: lợi ích, nhận thức, xã hội, cảm xúc…, thúc đẩy cá nhân, tổ chức hành động theo cách thức có thể giúp họ sớm đạt được mục tiêu. Như vậy, tạo động lực là quá trình kiến tạo một chuỗi những tác nhân, yếu tố có thể khuyến khích, hướng dẫn, và duy trì những hành động hướng tới mục tiêu.

Trên cấp độ quốc gia, động lực phát triển có thể xuất hiện trong khu vực Nhà nước (dưới dạng các chính sách hay các quy định pháp lý đúng và trúng), khu vực Thị trường (nhiều cơ hội tìm kiếm và gia tăng lợi ích), hay khu vực Cộng đồng (các phong trào đấu tranh vì con người và tiến bộ xã hội). Nếu các động lực thị trường và cộng đồng có vai trò nổi bật với các nước phát triển tuần tự tại châu Âu và Mỹ, thì sự phát triển bứt phá trong thời gian ngắn của các nước phát triển trong thời gian gần đây tại khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… lại ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của Nhà nước.

Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21 là một mục tiêu có tính tập thể, cho nên tất yếu cần đến vai trò kiến tạo, dẫn dắt tiến trình phát triển của Nhà nước. Vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là làm thế nào để sự vận hành của hệ thống chính trị nói chung, cỗ máy công quyền nói riêng, có thể cung cấp và nuôi dưỡng những động lực cho các lực lượng khác trong xã hội, hợp thành tổng lực cho sự bứt phá phát triển của đất nước trong hai thập kỷ sắp tới?

Cho đến hiện tại, quyết tâm và ý chí chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang tạo ra những động lực tinh thần, cơ sở ban đầu cho niềm tin và các nỗ lực hành động tập thể trong thời gian sắp tới. Yêu cầu tiếp theo hẳn nhiên phải là các hành động mạnh mẽ và nhất quán của Nhà nước, cụ thể là các chính sách mới sẽ được ban hành và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, và triệt để trên phạm vi cả nước.

Trong bài viết nhân dịp đầu năm mới, “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất đạt mức 8% cho năm 2025, tạo cơ sở để có thể hướng đến tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Có thể thấy, đây là những mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng đồng thời cho thấy sự tự tin và quyết tâm cao độ của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế - xã hội nước ta.

Cùng với các mục tiêu rõ ràng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu ra 10 định hướng giải pháp và yêu cầu thực hiện đồng bộ, nhất quán trên phạm vi cả nước. Những diễn biến thực tế trong thời gian tới sẽ trả lời cho câu hỏi về khả năng tạo động lực bởi các chính sách cũng như hoạt động của hệ thống công quyền ở nước ta. Những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ tin tưởng và sự ủng hộ của các lực lượng xã hội đối với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng vươn mình của đất nước và dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Đáng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục