Hệ quả khi giá điện chưa minh bạch

(ĐTCK) Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đặt ra câu hỏi về ý thức chấp hành pháp luật của DN lẫn vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với EVN.
(Ảnh: Internet) (Ảnh: Internet)

>> “EVN không đưa biệt thự, xe sang vào giá điện”

>> EVN lỗ gần 2.200 tỷ đồng từ khoản đầu tư ra ngoài

Bất thường trong hạch toán nhiều khoản chi

Trong kết luận của mình, TTCP đã chỉ ra những khoản chi phí được hạch toán không đúng quy định, làm tăng chi phí sản xuất điện của EVN và các đơn vị thành viên. Đó là việc xác định thời điểm trích khấu hao sớm với hàng loạt nhà máy điện gồm Sơn La, Đồng Nai 3, Ankhe Kanak dẫn tới tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy thuỷ điện hạch toán phụ thuộc EVN. Hay việc EVN hướng dẫn 6 đơn vị, gồm Ban Quản lý dự án thuỷ điện 1, 2, 4, 5, 6 và Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án (gồm Thuỷ điện Tuyên Quang, Bản Vẽ, Pleikrong, Sesan 3, Sesan 4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Đại Ninh và Nhiệt điện Ô Môn) đã hoàn thành và đang phát điện từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu DN của EVN, với số tiền trên 1.619 tỷ đồng. Việc thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản này đã khiến số tiền 223,9 tỷ đồng lãi suất trái phiếu tương ứng được hạch toán vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện trong năm, dẫn tới tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011.

Trong quá trình thanh tra, TTCP cũng chỉ ra rằng, số tiền 595,8 tỷ đồng tại 6 dự án nguồn điện (gồm nhiệt điện Ô Môn, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4, Nghi Sơn 1) là chi phí để xây dựng khu nhà ở cho CBCNV, gồm nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó, sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

Ngoài ra, việc Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCM) hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh điện khoản khấu hao các tài sản thuộc dự án cao ốc 90 Lý Thường Kiệt (TP. HCM) số tiền hơn 1,8 tỷ đồng cũng được TTCP chỉ ra là chưa đúng quy định.

Tổng công ty Điện lực Miền Nam đã mua 6 ô tô Camry 2.4G để phục vụ hoạt động kinh doanh vượt giá quy định số tiền 2,208 tỷ đồng. 2 xe Toyota Land Cruiser có giá trị 5,094 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh chung của EVN cũng được TTCP xác định là vượt mức quy định với số tiền 3,014 tỷ đồng.

 

Giá điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành

Với lợi thế hệ thống đường truyền tải điện, cáp quang truyền dẫn tín hiệu điện lực và mạng lưới nhân viên thu tiền điện rộng khắp, EVN rất tự tin khi bước chân vào ngành viễn thông. Tuy nhiên, việc chọn lựa công nghệ CDMA, không có lợi thế so với công nghệ GSM khoẻ về sóng, đa dạng về thiết bị đầu cuối hay phải cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực dịch vụ khi bấy lâu EVN bán là sản phẩm độc quyền đã khiến EVN phải trả giá.

Tới ngày 29/11/2011, khi bàn giao tài sản của EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), EVN đã đầu tư trên 2.425 tỷ đồng cho viễn thông để nhận lại số lỗ lên tới 2.996 tỷ đồng, nghĩa là tập đoàn này đã mất toàn bộ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tất nhiên, giá điện cũng phải gánh cho khoản thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn.

 

Lỗ hổng lớn trong giám sát DNNN

Trong kết luận của TTCP, cũng có những điểm chưa thật “tâm phục khẩu phục”, như việc cho rằng “các chi phí để xây dựng nơi ăn, chốn ở cho người lao động đến làm việc tại các nhà máy điện sẽ được tính vào giá thành sản xuất điện là không đúng quy định”. Trên thực tế, nếu không có các cơ sở vật chất, hậu cần như nhà ở, trạm y tế, nhà trẻ để người lao động yên tâm tới làm việc tại những nơi không thuận lợi thì khó lòng thu hút được người có trình độ để vận hành các nhà máy điện. Tuy nhiên, kết luận của TTCP một lần nữa đã cho thấy hậu quả của việc thiếu minh bạch giá điện từ EVN và từ các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Với thực tế giá điện ở Việt Nam không còn rẻ nữa, nhưng bất cứ lần tăng giá điện nào, mối quan tâm của báo chí và dư luận về chi phí sản xuất điện, ảnh hưởng của các yếu tố nguồn điện, nhiên liệu, tỷ giá cụ thể ra sao thường nhận được câu trả lời không rõ ràng từ các bộ chức năng là Tài chính, Công thương, khiến cho giá điện luôn mập mờ, khó hiểu.

Ở một khía cạnh khác, EVN là DN hạng đặc biệt, mà mỗi động thái về lương thưởng, thu nhập, định mức sản xuất… đều phải thực hiện theo các quy định, nhưng việc TTCP vẫn kiến nghị các Bộ Tài chính, Công thương, Lao động Thương binh Xã hội đưa ra hàng loạt các văn bản hướng dẫn chi tiết để EVN có cơ sở để thực hiện, tính chi phí cũng cho thấy những lỗ hổng lớn trong việc giám sát DN hoạt động từ phía cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ.

Bởi vậy, nếu không có những khớp nối giữa các cơ quan của Chính phủ mà cứ để thực tế EVN xây dựng giá điện, trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính thẩm định, vài năm sau mới có các cuộc thanh tra, hậu kiểm như TTCP vừa làm thì câu chuyện giá điện cứ tăng, thanh tra cứ kiến nghị chi phí không hợp lý, hợp lệ xem ra sẽ còn tiếp diễn dài dài và người dân sẽ còn tiếp tục bức xúc với giá điện.                                 

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục