Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển của Dự án điện gió ngoài khơi của Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco.
Tại văn bản này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 5/4/2022, Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco có về việc xin chủ trương khảo sát, quan trắc đánh giá tài nguyên biển để lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trang trại điện gió ngoài khơi gần đảo Bạch Long Vĩ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để có căn cứ chấp thuận cho Công ty cổ phần năng lượng Bitexco, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về sự phù hợp của khu vực biển do Công ty cổ phần năng lượng Bitexco đề nghị nghiên cứu, khảo sát với quy hoạch ngành; các vấn đề có liên quan đến giao thông trên biển, tuyến luồng hàng hải và các vấn đề khác có liên quan.
Được biết, Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco đề nghị được giao/công nhận khu vực biển tại ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng theo nguyên tắc không thu tiền sử dụng khu vực biển, nhằm khảo sát phục vụ lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vỹ có công suất lắp máy dự kiến 3.300 MW.
Diện tích khu vực biển mà nhà đầu tư này xin sử dụng là khoảng 60.000 ha (600 km2), trong thời gian 24 tháng tính từ ngày được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bằng văn bản.
Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vỹ hay Trang trại điện gió khoài khơi Bạch Long ĩ có quy mô xây dựng và vận hành 3.300 MW điện gió ngoài khơi. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 công suất 800 MW đưa vào vận hành năm 2030; giai đoạn 2 công suất 2.500 MW đưa vào vận hành năm 2035.
Tổng vốn đầu tư Dự án là 256.000 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD). Nguồn vốn do doanh nghiệp thu xếp và vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco đề xuất xây dựng trạm biến áp 500kV/220kV trên đất liền (dự kiến tại huyện Tiên Lãng - Hải Phòng), trạm 220 kV trên đảo Bạch Long Vĩ và triển khai đường dây đấu nối 500 kV đấu vào trạm 500 kV Hải Phòng cũng như xây dựng đường dây cáp ngầm 220 kV từ trạm biến áp 220kV trên đảo vào đất liền.