Hé lộ nội tình dự án “căn hộ đế vương”

Nổi danh là doanh nghiệp bất động sản sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa nhất Hà Nội nhưng dư luận liên tục đặt câu hỏi liệu Tân Hoàng Minh có đủ năng lực để triển khai những dự án cao cấp và hạng sang như Tập đoàn này đã vẽ lên hay không?
Dự án D.' Palais de Louis nhìn từ Công viên Nghĩa Tân Dự án D.' Palais de Louis nhìn từ Công viên Nghĩa Tân

Hiện tại, chỉ có hai dự án đang được triển khai xây dựng là khu “căn hộ đế vương” D.’ Palais de Louis và dự án căn hộ cao cấp D.’ Le Pont D’or – Hoàng Cầu. Còn những khu đất khác như tại 22-24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm và số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, vẫn nằm bất động.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng, nhiều dự án nằm đắp chiếu, thì không có gì khó hiểu khi có nhiều ý kiến nghi ngờ về năng lực của Tân Hoàng Minh để thực hiện những dự án vừa có vị trí đắc địa, vừa có kiến trúc độc đáo lại vừa khó bán vì chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp và hạng sang.

Đặc biệt, những khó khăn mà Tân Hoàng Minh gặp phải khi chào bán căn hộ của dự án đầu tay D.’ Palais de Louis với giá từ 115-120 triệu đồng/m2 càng khiến giới đầu tư bất động sản nghi ngờ Tân Hoàng Minh không có đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án khác.   

Đoạn trường ai tỏ

Nhưng, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến những dự án như tổ hợp D.’ Sans Raffles tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng và tổ hợp D.’ Le Roi de Soleil tại số 2 Đặng Thái Mai vẫn chưa khởi công được lại không liên quan gì đến năng lực tài chính của Tân Hoàng Minh.

Thực tế, ngoài tiềm lực sẵn có để giữ được toàn bộ dự án và phát triển thêm những dự án mới, Tập đoàn này còn vừa ký kết với Ngân hàng SHB để vay 1.000 tỷ đồng, nên hoàn toàn có đủ vốn để triển khai các dự án.

Dù Tân Hoàng Minh có đủ năng lực tài chính nhưng muốn triển khai xây dựng ngay những dự án này cũng không được, bởi quy trình thủ tục phải hoàn thiện trước khi xây dựng là cả một đoạn trường mà chỉ người trong cuộc mới tỏ.

Theo tiết lộ của nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản, thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và xây dựng một dự án thường mất 3-5 năm, thậm chí có thể kéo dài hơn. Mỗi dự án phải có được 30 - 40 con dấu và chữ ký thì mới có thể khởi công được. Các dự án của Tân Hoàng Minh không phải là ngoại lệ. Thậm chí, thủ tục cho một số dự án của Tân Hoàng Minh còn khó hơn các dự án thông thường khác vì nằm ở nội đô – một khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng.    

Để có được dự án D.’ Sans Raffles, Tân Hoàng Minh đã mất rất nhiều năm cũng như tiền bạc mới đền bù giải toả xong khu đất. Đây là một trong những khu đất có giá đền bù cao nhất Hà Nội với giá trị đền bù và hỗ trợ tại một số vị trí lên đến gần 1 tỷ đồng/m2.

Nỗ lực chờ đợi gần 10 năm của Tân Hoàng Minh được đền đáp, thậm chí chủ đầu tư còn nhận được thư cảm ơn của người dân khi đến nơi ở mới. Nhưng có được đất sạch rồi không có nghĩa là Tân Hoàng Minh có thể xây dựng ngay, bởi khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm đòi hỏi rất khắt khe về kiến trúc và tầng cao.

Phối cảnh Dự án D'.Le Roi Solei 

Cởi trói cho các dự án

Cuối cùng, cửa đang mở ra cho D.’ Sans Raffles. Ngày 7/4/2014 vừa qua, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội mới cấp Giấy phép quy hoạch số 1217/GPQH thực hiện dự án đầu tư công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại số 22 - 24 phố Hàng Bài và 25 - 27 phố Hai Bà Trưng.

Theo giấy phép này, khu đất có diện tích 4.073m2, mật độ xây dựng tối đa là 70%, với lớp công trình phía ngoài có chiều cao không quá 6 tầng và lớp công trình phía trong không quá 8 tầng. Theo đánh giá của một số nhà tư vấn, với chiều cao và mật độ xây dựng này, chắc chắn chủ đầu tư sẽ khó có lợi nhuận nếu không nói là lỗ. Nhưng qua trao đổi, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết vẫn quyết tâm triển khai xây dựng trong năm 2014 ngay sau khi nhận được Giấy phép xây dựng. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng.

D.’ Le Roi de Soleil cũng là một dự án mà dư luận đặt nhiều dấu hỏi về khả năng triển khai dự án của chủ đầu tư. Dự án tại số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (công ty con của Tân Hoàng Minh). Trước đây, Tân Hoàng Minh dự kiến sẽ xây dựng một tổ hợp khách sạn cao cấp kết hợp với văn phòng cho thuê.

Tuy nhiên, do tình hình thị trường ở những phân khúc này không thuận lợi nên Tân Hoàng Minh đã xin chuyển đổi mục đích dự án và ngày 24/4/2012, UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 2997/UBND-TNMT, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình hỗn hợp và nhà ở để bán. Ngày 25/4/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có Quyết định số 2749/QĐ-QHKT, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu đất này. 

Ngày 31/3/2014, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có văn bản số 1139/QHKT-P9, chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của dự án này.

Theo đó, tổng diện tích đất nghiên cứu gần 9.185m2 trong đó, đất xây dựng dự án gần 8.046m2, diện tích mở đường quy hoạch gần 1.139m2 và diện tích xây dựng công trình là 4.046m2. Phương án kiến trúc sơ bộ của dự án bao gồm một khối cao 8 tầng có chức năng dịch vụ công cộng và thương mại và 2 khối tháp cao 25 tầng với chức năng thương mại, nhà trẻ và 348 căn hộ. Ngoài ra, dự án có 5 tầng hầm với chức năng để xe, phụ trợ kỹ thuật và trung tâm thương mại.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, doanh nghiệp đã và đang rất nỗ lực hoàn thiện các thủ tục còn lại để có thể khởi công xây dựng cả dự án D.’ Sans Raffles và D.’ Le Roi de Soleil trong quý 3.

Ông Dũng cho biết, Tân Hoàng Minh vẫn kiên định mục tiêu phân khúc bất động sản hạng sang với lối kiến trúc độc đáo. Trong những năm qua, các dự án của Tân Hoàng Minh được rất nhiều tổ chức hỏi mua lại, nhưng nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, hay nếu tài chính không vững vàng thì Tân Hoàng Minh đã không giữ lại được tất cả các khu đất đắc địa ven những hồ lớn như hôm nay. “Phải rất tâm huyết chúng tôi mới có được và giữ được những dự án bên hồ. Đó không chỉ là việc kinh doanh có lợi nhuận mà còn là mong muốn mang đến một thương hiệu riêng của Tập đoàn”, ông Dũng khẳng định.

Hé lộ nội tình dự án “căn hộ đế vương”

Ngoài “uẩn khúc” đối với hai dự án trên mà chỉ người trong cuộc mới hiểu thì một trong những dự án đình đám khác là “căn hộ đế vương” D. Palais de Louis cũng đang hé lộ sự thật bất ngờ.

Trong suốt hơn một năm vừa qua, không ít người nghĩ dự án này không còn cửa sống, vì với giá bán lên tới 115 - 120 triệu đồng/m2, chủ đầu tư sẽ không thể bán được căn hộ trong lúc thị trường bất động sản khủng hoảng. Kinh doanh khó khăn đã dấy lên nghi ngờ rằng Tân Hoàng Minh sẽ buộc phải “đắp chiếu” dự án này. Những hoài nghi này lại càng tăng lên khi những ai đi qua dự án này trong hơn một năm qua đều thấy công trường hầu như vắng lặng, khác hẳn với không khí xe tải dầm dập ra vào như trước đây.

Lắp đặt hệ thống cơ điện tại D.' Palais de Louis

Nhưng, bên trong vỏ bọc là những tấm lưới mới toanh mới được phủ lên toà nhà, là “bí mật” mà nếu chỉ đi lướt qua thì sẽ không thể tường tận được. Khác với vẻ tĩnh lặng bên ngoài, bên trong là gần 400 công nhân của 7-8 nhà thầu đang khẩn trương thi công hoàn thiện dự án.

Nhà thầu Hoà Bình đang xây dựng tường ngăn giữa các căn hộ và tường bao ngoài, Eurowindow đang tiến hành lắp cửa kính khổ rộng. Đặc biệt, chủ đầu tư đang hoàn thiện 6 căn hộ mẫu trên tầng 20 và 21, đã lắp đặt một thang máy và đang tiến hành nhập 6 thang máy quan sát siêu sang của hãng Otis. Các căn hộ mẫu do các nhà thầu Italia đảm nhận, trong đó, nội thất của 3 căn hộ do AA Corporation (công ty nội thất hạng sang hàng đầu Việt Nam) và 3 căn do Rare Dragan(Úc) thiết kế thành 3 phong cách.

Một nguồn tin cho biết, Tân Hoàng Minh đã trả lại tiền đặt cọc cho tất cả khách đăng ký đặt mua căn hộ đế vương trước đây và sẽ bán trở lại khi hoàn thiện xong toàn bộ công trình.

Ông Đỗ Trung Kiên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, trong vòng một năm tới, chủ đầu tư sẽ tiến hành hoàn thiện tiếp nhiều hạng mục khác nhau của dự án như ốp đá, lắp đặt hệ thống cơ điện… Riêng tiền đá ốp bên ngoài đã lên đến hơn 150 tỷ đồng.

“Chúng tôi chưa bao giờ dừng thi công dự án này, mà vẫn tích cực triển khai theo các kế hoạch chủ đầu tư đề ra. Nếu không có gì trục trặc cuối năm nay khi tháo toàn bộ lớp che chắn chắc chắn mọi người sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo có một không hai như những gì Tân Hoàng Minh đã tuyên bố từ khi khởi công dự án”, ông Kiên khẳng định.

Ngọc Sơn
baodautu.vn

Tin cùng chuyên mục