Hé lộ góc khuất cơn sốt đào Pi Network tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Giá Bitcoin vượt mốc 55.000 USD/đồng và giấc mộng đào tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa đã châm ngòi cho cơn sốt đào Pi Network tại Việt Nam.
Hé lộ góc khuất cơn sốt đào Pi Network tại Việt Nam

Những điểm đáng ngờ

Pi Network được nhóm phát triển từ Đại học Stanford (Mỹ) giới thiệu là loại tiền ảo có thể được “đào” trực tiếp trên smartphone, không cần sử dụng siêu máy tính. Để sử dụng ứng dụng, người dùng phải trải qua quy trình KYC (know your customer) để tránh gian lận, đồng nghĩa với việc thu thập dữ liệu của người dùng.

Pi Network còn thu thập một lượng dữ liệu đáng kinh ngạc về điện thoại của người dùng như: sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB; đọc nội dung trong bộ lưu trữ USB; xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi; đọc trạng thái điện thoại và danh tính; đọc danh bạ; xem các kết nối Wi-Fi; nhận dữ liệu từ Internet…

Phân tích về Pi Network, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng CMC (CIST), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông) cho rằng, người tham gia đào Pi chắc chắn sẽ mất thông tin cá nhân, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại và có thể mất thêm thông tin khác trong máy, mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là “vòng tròn tin tưởng” khá giống đa cấp.

“Điều mà chủ dự án Pi có được là thông tin cá nhân của 13 triệu người dùng tính đến thời điểm hiện tại và dữ liệu người dùng thường xuyên rất lớn, buộc ngày nào họ cũng phải vào điểm danh, kết nối. Có lượng người dùng lớn trong tay thì họ có thể kiếm tiền không hề khó”, TS. Tuấn nhận định.

Theo phân tích của chuyên gia này, ba điểm đáng ngờ nhất của Pi Network là quá trình đào, private key (mã hóa cho phép người dùng truy cập tiền điện tử của mình) và mainnet (mạng chính thức). Trong đó, đến thời điểm này, đào Pi Network là một quá trình rất ảo, bởi đây là một quá trình để xác thực các giao dịch, mà chưa có sổ cái/blockchain, chưa có giao dịch thì xác thực cái gì. Ngay cả việc xác thực dựa trên “vòng tròn tin tưởng” cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó.

“Công nghệ blockchain là công nghệ đòi hỏi sử dụng private key để xác thực, tiền mã hóa cũng phải có private key mới tiêu được. Nhưng có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví, sau này làm sao chuyển tiền hay tiêu tiền được”, TS. Tuấn nói.

Theo TS. Tuấn, Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên server, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích thì tiền này chẳng có giá trị gì.

Do tính minh bạch không hề có ở một dự án blockchain hiện đã lôi kéo được lượng lớn người dùng hàng ngày, nên TS. Tuấn ví von, việc đào Pi Network cũng như nhặt sỏi đá và mơ một ngày không xa thế giới sẽ công nhận sỏi đá có giá trị như vàng. “Một nguyên tắc bất di bất dịch trong blockchain là minh bạch. Mainnet cuối năm 2021 mới có, nhưng dự án hiện có app mobile Pi Network và backend server (máy chủ xử lý quá trình thực tế) thì tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét? Tại sao phải đóng? Câu trả lời hiện vẫn chưa có”, TS. Tuấn nói.

Cảnh báo góc khuất

TS. Nguyễn Lê Anh, chuyên gia toán học và công nghệ thông tin chỉ ra rằng, nếu việc đào Pi Network được thực hiện trên điện thoại, đương nhiên sẽ tốn pin và máy trở nên rất chậm. Nhưng trong trường hợp này, khi nhiều người tin rằng, việc đào Pi Network đang thực hiện trên các hệ máy tính lớn và điện thoại chỉ là tạo dựng cộng đồng, thì nếu quả thật là có đồng tiền như vậy, nó không ở trong điện thoại của người dùng, người dùng không có Pi mà chỉ có quyền được hệ thống cho tiền Pi.

“Hệ thống lừa đảo sẽ cho ra sàn giao dịch Pi mà giá tăng lên hàng ngày. Khi ấy, người dùng sẽ được khuyến cáo là trả thêm một ít tiền Việt thì sẽ mua được rất nhiều tiền Pi. Đó là lúc các bạn sẽ bị rút tiền, bởi đã cung cấp cho kẻ lừa đảo đầy đủ thông tin cần thiết để lấy hết tiền của các bạn. Hệ thống này chưa lừa các bạn ngay đâu, mà sẽ nuôi các bạn một thời gian và tính toán rất chính xác thời điểm lừa tất cả các bạn”, TS. Lê Anh cảnh báo.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, hiện tại, app Pi mới là một cái đồng hồ hiển thị số mà người dùng tưởng là tiền. Đây chỉ là trò lừa đảo. Giới cầm cái đang tìm cách quảng bá tính ưu việt của Pi Network là không mất gì mà kiếm được nhiều tiền và tìm cách chặn họng các thông tin về bản chất lừa đảo của tiền ảo này.

Ở góc độ khác, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL nhận định, các loại tiền điện tử, tiền kỹ thuật số không được phát hành bởi bất kỳ Chính phủ hay quốc gia nào và cũng không có các tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh. Tiền ảo không được coi là một loại tài sản hay hàng hóa và không có tính pháp lý ở Việt Nam. Vì vậy, khi có xung đột hay tranh chấp xảy ra thì quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư sẽ rất khó được bảo vệ.

Pi Network khởi động từ ngày 14/3/2019 với tốc độ khai thác ban đầu là 3,1 Pi/giờ và sẽ giảm một nửa nếu số lượng người dùng tăng lên tới một mức nhất định. Đến cuối tháng 12/2020, ứng dụng đào Pi đã có hơn 10 triệu thành viên tham gia, tốc độ khai thác đã ở mức 0,2 Pi/giờ.

Dự án có 3 giai đoạn: Beta, Testnet và Mainnet. Pi Network hiện ở giai đoạn Testnet bắt đầu từ tháng 3/2020. Vì đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, nên Pi chỉ có giá trị xấp xỉ 0 USD/euro và người đào chưa thể rút Pi. Do đó, có hai lựa chọn: trực tiếp mua bán hàng hóa và dịch vụ trả bằng Pi với những thành viên hoạt động trên thị trường Pi Network, hoặc đợi đến giai đoạn Mainnet của dự án để đổi Pi lấy các loại tiền tệ khác.

Theo thống kê sơ bộ, hiện số người tham gia đào Pi tại Việt Nam đã đạt mốc hơn 130.000 người và đang tăng lên rất mạnh, từng ngày.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục