Trong kỳ, chi phí lãi vay giảm mạnh 62% xuống còn 23,2 tỷ đồng nên chi phí tài chính giảm 48% về còn 21,5 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 4 tỷ đồng xuống 3 tỷ đồng, chi phí quản lý lại tăng từ 41 tỷ đồng nên 43 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận từ liên doanh liên kết trong quý IV này chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lên tới 22 tỷ đồng.
Kết quả, HBC lãi sau thuế quý IV chỉ là 22,4 tỷ đồng, giảm gần 76% so với quý IV/2012.
Lũy kế cả năm 2013, HBC đạt 3.486,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 53,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm tương ứng 14% và 59% so với năm 2012. Trong đó, lợi nhuận của cổ đông Công ty mẹ là 56,2 tỷ đồng, chỉ mới hoàn thành 29% kế hoạch đề ra (185 tỷ đồng).
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận 2013 giảm mạnh là do việc chi phí quản lý doanh nghiệp được đội lên tới 150,4 tỷ đồng, tức tăng 11%. Đồng thời, HBC còn ghi nhận khoản lỗ khác hơn 8 tỷ đồng và lỗ từ liên doanh liên kết 3,73 tỷ đồng, thay vì lãi tương ứng 16,76 tỷ đồng và 37 tỷ đồng như năm 2012.
Trong năm, nhờ quản lý được dòng tiền nên số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối năm của HBC đạt 756,4 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm. Trong đó phần lớn là tiền mặt với 425 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức gần 115 tỷ đồng từ đầu năm.
Nhưng cũng tại cuối năm, nợ ngắn hạn của HBC đã tăng lên thành 3.604,5 tỷ đồng, chiếm tới 76,5% tổng nguồn vốn.
Tuy có kết quả kinh doanh năm 2013 không như mong đợi, nhưng cổ phiếu HBC lại liên tục tăng giá, nhất là trong 1 tháng trở lại đây. Trong thời gian này, giá cổ phiếu HBC đã tăng từ 16.500 đồng lên 19.700 đồng (giá đóng cửa phiên 18/2), tương ứng tăng 19,39%, và thanh khoản khá cao.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 19/2, cổ phiếu HBC tiếp tục tăng trần lên 21.000 đồng (+6,6) với hơn 1,4 triệu cổ phiếu được khớp và vẫn còn dư mua giá trần.