Trước hết, việc này hoàn toàn không gây bất ngờ hoặc có gì “đột phá” đối với NĐT, cắt giảm lãi suất là một trong những biện pháp phổ biến nhất trong giai đoạn hiện nay để kích thích kinh tế. Trong hoàn cảnh mà nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng điều chỉnh lãi suất cơ bản về những mốc cực thấp, thì lãi suất 10%/năm của chúng ta vẫn còn khá cao. Các DN vay vốn vẫn phải chịu một cái giá không rẻ trong điều kiện nền kinh tế khó khăn.
Hơn nữa, giới đầu tư cũng như DN vay vốn đang nhìn vào “lịch” cắt giảm lãi suất của NHNN và rất có thể tự nhủ rằng, lãi suất sẽ còn được cắt giảm trong thời gian không lâu nữa. Vậy không có lý do gì họ không bỏ thêm một chút thời gian cho đến khi giá của nguồn vốn từ ngân hàng trở nên rẻ hơn vài phần trăm, nếu dự án của họ không thực sự cấp bách.
Cuối năm, lượng vốn khả dụng của nhiều ngân hàng ngày càng dư thừa, do DN cần vốn thì lại không đủ điều kiện vay và các hợp đồng thanh lý nhưng không được vay lại. Như vậy, lãi suất cơ bản 10%/năm xem ra vẫn chưa đủ để phân bố hợp lý nguồn vốn trong các ngân hàng.
Có thể nói rằng, chính những đánh giá này khiến TTCK rơi vào tình trạng “nghi ngờ” cả những tin tốt. NĐT, không hề ngạc nhiên, cũng sẽ có cách hành xử tương tự đối với những tin khác như: giảm giá xăng, chỉ số giá tiêu dùng giảm… Trong giai đoạn thị trường đang ở mức xấu, những tác dụng phụ hoặc hậu quả tiêu cực của những tin tức này được NĐT quan tâm nhiều hơn.
Vài tháng gần đây, nhiều NĐT tin vào mối liên hệ mang tính tâm lý giữa TTCK Việt Nam và TTCK Mỹ. Nhưng tiếc thay, trong nhiều phiên trở lại đây, TTCK Mỹ tăng, thậm chí có phiên tăng rất mạnh mà Index của Việt Nam vẫn giảm điểm. Vậy NĐT trong nước không thể trông chờ một sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.
Dường như, thứ duy nhất giúp được thị trường chỉ có thể là chính bản thân NĐT. Họ chỉ tin tưởng vào TTCK khi nền kinh tế thực sự có một triển vọng phát triển nào đó. Xem ra, một khi các vấn đề có liên quan hữu cơ với nhau thì rất khó để có thể vực dậy cả một hệ thống!
Trong giai đoạn hiện nay, khoan hãy nói đến một giai đoạn tăng trưởng như trong quá khứ, điều đơn giản nhất NĐT có thể làm mà lại vô cùng ý nghĩa đó là không góp phần kéo thị trường xuống thêm nữa bằng cách mò đáy.
Khi thị trường đã xuống rất thấp và còn có thể thấp hơn nếu theo đà như hiện nay, nhiều NĐT có ý định chờ giá rẻ hơn để mua vào nhằm bắt trúng hoặc sát đáy nhất. Và chừng nào, họ cảm thấy thị trường có thể xuống được thì những thông tin tốt như kể trên vẫn không thể phát huy tác dụng. Bởi rõ ràng, sự “tham lam” vẫn còn chi phối nhiều NĐT, hơn là tác động của một thông tin tích cực trong một thị trường vẫn ẩn chứa yếu tố tiêu cực.
Vì vậy, thiết nghĩ, thay vì cứ lúc nào cũng nhắc đi, nhắc lại những thông tin tích cực, hoặc mổ xẻ những mặt không tốt của một chính sách, thì mỗi NĐT hãy tự xem xét lại chính “lòng tham” của mình.