Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhờ thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2000 và được tổ chức giao dịch tại HOSE. Năm 2005, HNX cũng được giao tổ chức giao dịch thứ cấp đối với TPCP. Tháng 6/2006, thị trường TPCP đánh dấu bước ngoặt quan trọng với quyết định của Bộ Tài chính về việc chuyển toàn bộ thị trường TPCP (cả thị trường sơ cấp - đấu thầu trái phiếu - và thị trường thứ cấp) về một đầu mối là HNX. Với việc tập trung thị TPCP về HNX, Bộ Tài chính mong muốn tạo lập thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, giúp Chính phủ tiếp cận được nguồn vốn cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thị trường TPCP chuyên biệt, mà cụ thể là phát triển và quản lý thành viên giao dịch, xây dựng và vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu, hệ thống thông tin trái phiếu và tổ chức đấu thầu TPCP, HNX đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ này trong 2 năm qua (24/9/2009-24/9/2011). Kết quả đáng khích lệ và rõ nhất chính là việc thị trường trái phiếu đã truyền tải được định hướng chính sách lãi suất trên thị trường tài chính của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm chi phí vay vốn của Chính phủ. Lãi suất vay trên thị trường này thường dao động cùng chiều nhưng thấp hơn trên thị trường tiền tệ.
Nếu như năm 2006-2007, lãi suất TPCP có thời điểm cao hơn lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại thì từ năm 2009 trở lại đây, lãi suất trúng thầu trái phiếu luôn thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ (năm 2010, thấp hơn khoảng 1%, sang năm 2011, khoảng cách này dao động từ 1,5-1,87%). Điều này đã giúp Chính phủ giảm chi phí vay trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP vào năm 2012 và dưới 3% GDP kể từ năm 2015 trở đi.
Lượng TPCP phát hành qua kênh đấu thầu càng lớn, cơ chế cạnh tranh càng cao, thì chênh lệch lãi suất giữa TPCP và ngân hàng càng lớn. 100.000 tỷ đồng Chính phủ huy động từ trái phiếu ngày hôm nay tiết kiệm được ít nhất là 1.500 tỷ đồng lãi suất Chính phủ phải trả so với các năm trước đó. Một con số rất có ý nghĩa cho Ngân sách nhà nước, mà góp phần tạo nên con số đó chính là cơ chế đấu thầu cạnh tranh, cơ chế minh bạch hệ thống thông tin thị trường trái phiếu, đã và đang được HNX nỗ lực xây dựng.
Năm 2011, Bộ Tài chính phải huy động 92.600 tỷ đồng từ TPCP để bù đắp bội chi và 45.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư vào các công trình dự án giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế. Nếu hoàn thành kế hoạch huy động vốn qua phát hành TPCP thì với mức lãi suất trái phiếu như hiện nay, Bộ Tài chính sẽ tiết kiệm cho ngân sách ít nhất 2.064 tỷ đồng.
Thị trường TPCP hiện có 43 thành viên, trong đó có 17 NHTM và 26 CTCK. Nếu năm 2010, HNX tổ chức 48 phiên đấu thầu, huy động hơn 28.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, thì từ đầu năm 2011 đến nay, HNX đã tổ chức 92 phiên đấu thầu, huy động hơn 67.000 tỷ đồng cho ngân sách. Khác với trước đây, hiện nay, hệ thống thông tin đấu thầu đã công khai, minh bạch hơn rất nhiều, mỗi tuần, HNX đều tổ chức 1-2 phiên đấu thầu, trong đó lịch đấu thầu trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành đều đặn vào thứ 5 hàng tuần. Chính sự minh bạch, thông tin thường xuyên và có hệ thống như vậy đã giúp các thành viên thị trường dễ dàng hơn trong việc bố trí vốn, phân bổ nguồn vốn vào kênh TPCP, tạo nên hiệu quả chung cho công tác huy động vốn của Chính phủ cũng như cho chính các thành viên thị trường.
Hãy nhìn thị trường trái phiếu bằng cái nhìn dài hạn
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX cho rằng, mục tiêu cốt lõi và lâu dài của việc phát triển thị trường TPCP tại Việt Nam là tạo kênh cung ứng kịp thời nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, giảm thiểu chi phí huy động vốn để giảm gánh nặng trả nợ trong tương lai và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Vì là thị trường phục vụ mục tiêu huy động vốn của Chính phủ, nên việc xây dựng thị trường này luôn cần có sự phối hợp, nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, trong đó, Bộ Tài chính đóng vai trò trọng tâm và cần tập trung xử lý tốt ở cả 3 khía cạnh: huy động vốn, tạo thanh khoản và sử dụng vốn hiệu quả. Đây chính là thế "kiềng ba chân" để đảm bảo cho thị trường trái phiếu được phát triển bền vững. Về phía HNX, ông Dũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao dịch, hệ thống thông tin và hệ thống các công cụ chỉ báo để tạo thanh khoản và cung cấp số liệu phục vụ nhà đầu tư và phục vụ cơ quan quản lý vĩ mô.
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng cũng mới ở giai đoạn khởi đầu. Riêng về mặt kỹ thuật, hiện có rất nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện như đẩy nhanh việc tái cấu trúc hàng hóa (hiện riêng HNX có trên 480 loại trái phiếu niêm yết); xây dựng được đường cong lãi suất chuẩn; xây dựng bộ chỉ số trái phiếu; phát triển các sản phẩm giao dịch mới, kết nối thị trường trái phiếu Việt Nam với khu vực… Trong khi đó, về mặt định hướng, chiến lược nợ, chiến lược phát triển thị trường trái phiếu vẫn còn là những khoảng trống trên thị trường trái phiếu tại Việt Nam…
Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo, trong tương lai gần, nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn mà thay vào đó là phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường tài chính, trong đó, thị trường trái phiếu đóng vai trò cốt yếu. TPCP gắn chặt với nợ công, mà nợ công, theo ông Nghĩa là "tồn tại song hành với bất cứ nền kinh tế nào, ngay cả Mỹ, Nhật Bản, EU…". Làm thế nào để xây dựng thị trường trái phiếu hoạt động trơn tru, để vừa có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển, giải quyết nhu cầu chi tiêu trước mắt của Chính phủ, nhưng vẫn tránh được sự đổ vỡ nợ công như đã và đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới? Đây là bài toán hóc búa cho bất cứ nền kinh tế nào.
Xây dựng thị trường trái phiếu tại Việt Nam, vì thế, cần một cái nhìn dài hạn và tổng thể, không chỉ cho hôm nay, cho ngày mai, mà là cho 20 năm sau.