Khi nhắc đến dòng vốn này, mọi người rất hồ hởi và cho rằng, thị trường chứng khoán Việt
Theo tôi, khi chúng ta sử dụng một khái niệm mới nào đó và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cần giải thích rõ khái niệm ấy cho nhà đầu tư, người đọc hiểu chứ không thể các chuyên gia cứ nói và tự hiểu với nhau như thế được. Không phải nhà đầu tư nào cũng có kiến thức "uyên thâm như các chuyên gia" để hiểu hết các khái niệm mới của thị trường. Ví dụ, trước đây tôi cũng nghe nói về hình thức đầu tư qua P-Note, lúc đầu tôi và các nhà đầu tư khác cũng không hiểu rõ đấy là hình thức gì. Tuy nhiên, sau khi đọc trên Báo Đầu tư Chứng khoán có chùm bài giải thích rõ về khái niệm này, nên khi đọc những bài viết về P-Note, tôi và các bạn bè cũng thấy hiểu hơn và có thêm thông tin hữu ích hơn về hình thức đầu tư này của nhà đầu tư nước ngoài.
Về dòng vốn nóng, không biết các bạn thế nào, riêng tôi và các bạn đầu tư của tôi gần như không biết rõ nó là thế nào và mặt lợi và bất lợi ra sao đối với thị trường chứng khoán Việt
Vừa qua, lại thấy một số chuyên gia lên báo bình luận rằng, dòng vốn nóng có tính hai mặt, trong đó mặt tốt là giúp tăng lượng tiền cho đầu tư, nhưng, mặt tiêu cực là không rõ lượng tiền đó sẽ ở Việt Nam bao lâu. Thứ hai, nếu đó là tiền đầu tư thì rất tốt, nhưng đầu cơ sẽ rất nguy hiểm, bởi dòng vốn đầu cơ là rất ngắn hạn và bất thường. Thứ ba, nếu không biết rõ nguồn gốc của số tiền đầu tư thì có thể đưa đến vấn nạn rửa tiền.
Như vậy, theo tôi hiểu, dòng vốn nóng không phải chỉ là thuốc bổ, mà đó chính là thuốc tăng trọng thì đúng hơn. Nó có thể giúp thị trường chứng khoán phát triển nhanh chóng trong một giai đoạn, nhưng khi nó rút ra thì khả năng thị trường xì hơi là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Trong thời gian vừa qua, động thái mua ròng miệt mài của khối ngoại được nhiều người cho là do dòng vốn nóng, nhưng chúng tôi rất tù mù về đâu là dòng vốn ngoại "nguội", đâu là dòng vốn ngoại "nóng".
Vì vậy, theo tôi, ngoài việc giải thích rõ về khái niệm "dòng vốn nóng", cơ quan quản lý cũng cần có thông tin cụ thể, minh bạch về dòng vốn này, mà việc quan trọng chính là cập nhật định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng dòng tiền này vào Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Tôi nghĩ, với công cụ sẵn có của mình, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể hợp tác để cung cấp thêm thông tin về vốn đầu tư nước ngoài ra thị trường. Nếu làm được như vậy sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủ ro trong quyết định đầu tư của mình.