Thứ nhất: cơ quan quản lý không nên, nếu không nói là không được phép có ý kiến công ty niêm yết nào được và không được cầm cố. Đây là điều tối kỵ đối với cơ quan quản lý (Ban tổ chức và trọng tài V-league không bắt đội bóng chọn cầu thủ do họ chỉ định đá trận nào). Đây là vần đề của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán.
Hơn nữa, từ góc độ nhà đầu tư, tôi xin nói thẳng là tôi không tin tưởng cách "chấm điểm" của cơ quan quản lý. Thử hỏi lấy gì để đảm bảo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý là chính xác? Nếu chúng tôi thế chấp công ty trong danh sách được duyệt nhưng vẫn có rủi ro xảy ra, cơ quan quản lý có chịu trách nhiệm không? Nhà đầu tư và công ty chứng khoán có cách nhìn của mình và họ chỉ tin tưởng vào chính mình mà thôi.
Thứ hai, quy định tỷ lệ cho vay 30% chứng tỏ trong 10 năm qua, tư duy quản lý chưa có bất kỳ chuyển biến nào. Đây là con số hoàn toàn cảm tính, không mang một cơ sở khoa học nào và không giúp ích gì cho thị trường.
Ở đây có vấn đề đặt ra là dường như các vị đang quá lo cho túi tiền của chúng tôi, những nhà đầu tư năng động và các công ty chứng khoán. Tôi xin nói rõ là không có bất kỳ ai lo cho túi tiền của tôi bằng chính tôi. Không ai lo cho đồng vốn của công ty chứng khoán bằng chính họ. Cho nên khi làm chính sách, vấn đề của các nhà quản lý là hãy tạo sân chơi công khai minh bạch, thông thoáng chứ không phải là để lo cho thu nhập của các thành phần tham gia thị trường.
Tôi xin đơn cử một ví dụ.
Hiện nay, quốc tế đang cho nhà giao dịch vàng với tỷ lệ ký quỹ là 1%, nghĩa là có vốn 1 cây vàng được mua-bán 100 cây. Nghe đến đây chắc các cơ quan quản lý Việt Nam toát mồ hôi hột rồi? Thế nhưng rủi ro cho thị trường là bằng không. Tại sao?
Khi thị trường biến động thì tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư luôn biến động theo, nhưng nếu sự biến động này dẫn đến giảm tỷ lệ ký quỹ xuống còn 0,3% thì lệnh khớp tự động được thực hiện, đưa tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư về 1%. Trường hợp này thường được gọi là "cháy" tài khoản. Nhà đầu tư nếu để cháy tài khoản thì thiệt hại rất lớn và chỉ nhà đầu tư là người duy nhất bị thiệt hại mà thôi. Do đó, anh ta không mạo hiểm giao dịch với tỷ lệ 1% như quy định mà thường trong tài khoản có số vốn từ 10% trở lên, tức là gấp 10 lần quy định, tùy tình hình thị trường.
Ở đây rõ ràng có 2 vấn đề: 1) Thị trường quy định thông thoáng hơn mức nhà đầu tư tự lo cho mình. Nó thể hiện nguyên lý: để nhà đầu tư tự lo cho túi tiền của mình chứ không phải thị trường. 2) Thị trường tự lo cho mình bằng cái công tắc tự động 0,3%, không bao giờ có rủi ro.
Như vậy, trong vấn đề tỷ lệ ký quỹ, cơ quan quản lý chỉ nên có chủ trương cho phép hay không và nên để cho các công ty chứng khoán tự lập cho mình một công tắc tự động để giữ an toàn cho đồng vốn cho vay của họ.
Đưa ra quá nhiều quy định trói buộc thì trường cùng với vòng kim cô T+4, quý vị làm cho TTCK vốn hấp dẫn trở nên ù lì, buồn tẻ và vô vị.