Hậu Vinashin: VFC và khoản nợ 32,2 tỷ đồng khó đòi

(ĐTCK) Khoản nợ 32,2 tỷ đồng từ năm 2011 của Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) nhiều khả năng khó có thể đòi được khi mới đây CTCP Quốc tế Cas (Cascon) đã “phủi” trách nhiệm trả nợ.
Công ty Cascon cho rằng họ không có nghĩa vụ trước khoản nợ của Công ty VFC Công ty Cascon cho rằng họ không có nghĩa vụ trước khoản nợ của Công ty VFC

Mới đây, vụ án Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cascon đã bị hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu. Như vậy, hậu họa Vinashin để lại là những món nợ dai dẳng khó đòi, trong đó có số tiền 32,2 tỷ đồng của VFC.

Năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) góp 55% vốn vào Công ty Liên doanh container Vinashin (VTC). Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Công ty VTC đổi tên thành Cascon, trong đó Vinashin nắm giữ 25% vốn, bà Nguyễn Hồng Anh góp 15% vốn, 60% còn lại thuộc về Công ty Best Mingmei Technology Development.

Từ năm 2008, bà Nguyễn Hồng Anh (SN 1974, tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) được bổ nhiệm là Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty. Đến năm 2010, bà Nguyễn Hồng Anh kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Hồng Anh khai nhận, khoảng thời gian từ 2007 - 2010, Công ty không còn vốn hoạt động, cũng không có khả năng vay vốn bởi bị các ngân hàng thương mại xếp vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Thời điểm này, dưới sự bảo lãnh của Vinashin, Cascon đã ký 2 hợp đồng tín dụng vay vốn của Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) để có vốn lưu động sản xuất kinh doanh.

Năm 2009, Công ty VFC đã giải ngân tổng số tiền gần 200 tỷ đồng và 3,2 triệu USD. Ngoài ra, Công ty Cascon còn vay vốn dài hạn của VFC 30 tỷ đồng. Đến thời điểm Vinashin bị thanh tra gắt gao, Cascon buộc phải dùng kho thép cuộn, container làm tài sản đảm bảo để đảm bảo khoản vay.

Số tài sản này gồm 658 chiếc container thành phẩm, 1.087 container bán thành phẩm, 249 cuộn thép; trị giá 153,7 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là hàng hóa để bán cho Công ty Vận tải biển Nam Triệu và Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines), được bảo quản tại kho của Cascon tại Hải Dương. Hợp đồng thế chấp thể hiện “bên thế chấp chỉ được xuất kho tài sản với sự chấp thuận của Công ty VFC”, “trường hợp tài sản bị mất giá trị, bên thế chấp phải bổ sung tài sản thế chấp, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc trả nợ trước hạn”.

Trước thực trạng khó khăn, để có vốn kinh doanh, bị cáo Nguyễn Hồng Anh đã thực hiện bán tài sản thế chấp. Theo đó, cuối năm 2011, bị cáo Nguyễn Hồng Anh ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng bán 408 container và gần 1,2 triệu kg thép cuộn là tài sản thế chấp. Việc bán tài sản đã được Công ty VFC chấp thuận. Với số tiền 38 tỷ đồng thu được, bị cáo Nguyễn Hồng Anh chỉ trả cho Công ty VFC 10 tỷ đồng. Hành vi bán tài sản thế chấp nhưng không trả đủ tiền đã gây thiệt hại cho Công ty VFC 32,2 tỷ đồng (nợ gốc và lãi).

Cựu Tổng giám đốc Cascon thừa nhận việc làm trên là sai phạm, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Bị cáo cho rằng, bà không tư lợi cá nhân mà sử dụng số tiền trên để tái sản xuất, tăng giá trị tài sản lên 62,5 tỷ đồng, tạo thêm lợi ích cho Cascon. Theo bị cáo, hai hợp đồng trên chưa tất toán, số tiền trên chưa mất đi nên không được coi là thiệt hại của vụ án. Tại thời điểm bị cáo bị bắt (năm 2012), giữa Công ty VFC và Công ty Cascon vẫn đang thỏa thuận thế chấp tài sản bổ sung.

Luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo) nhấn mạnh điều kiện khách quan: “Sự cố đổ vỡ của Vinashin đã buộc Công ty Cascon phải tìm cách giải tỏa hàng hóa. Trách nhiệm trả nợ chính thuộc về Vinashin. Còn bị cáo đã quá tự tin với mong muốn khôi phục hoạt động Công ty”.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lập luận, thực tế, thiệt hại của VFC đã xảy ra. Công ty VFC mất tài sản đảm bảo, không thu hồi được nợ. Điều này thể hiện trong báo cáo tài chính năm 2011, 2012, Công ty Cascon lỗ hàng trăm tỷ đồng, nợ xấu lớn.

Trước trách nhiệm trả nợ, phía đại diện Công ty Cascon cho rằng, họ không được bàn giao hồ sơ, giấy tờ và khẳng định không có nghĩa vụ trước khoản nợ của Công ty VFC. Theo người kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại Cascon, khi tiếp nhận nhà máy đã bị tốc mái. Đợt tổng kiểm kê năm 2015 tại nhà máy cho thấy, còn hơn 200 container đã bị mục nát, chỉ có thể bán sắt vụn hoặc phải sửa chữa mới có khả năng bán được.

Mới đây, Tòa án Nhân dân cấp cao TP. Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án này để xác định, làm rõ một số vấn đề liên quan. Như vậy, sau nhiều năm theo đuổi, số tiền 32,2 tỷ đồng đã trở thành khoản nợ khó đòi khi quá trình tố tụng kéo dài và Công ty Cascon phủ nhận trách nhiệm trả nợ.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục