Hậu vận của các thương vụ M&A ngân hàng đình đám

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng diễn ra sôi động trong những năm gần đây, với hàng chục thương vụ thành công, nhưng cũng không ít vụ gặp nhiều khó khăn.
Hậu vận của các thương vụ M&A ngân hàng đình đám

Những thương vụ M&A đình đám...

Mở màn cho làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng là thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB vào cuối năm 2011. Tại thời điểm sáp nhập nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm 23,66% tổng dư nợ và sau khi M&A, nợ xấu của SHB là 8,69%.

Sau gần 1 thập kỷ tái cơ cấu, nỗ lực xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của SHB đến hết quý II/2018 chỉ ở mức 2,297%. 

Bên cạnh Habubank sáp nhập vào SHB, thị trường tài chính cũng đã chứng kiến không ít thương vụ M&A như hợp nhất 3 ngân hàng (SCB - Ficombank - TinNghiaBank), Mekong Bank sáp nhập Maritime Bank, MHB - BIDV, DaiABank - HDBank, Southern Bank - Sacombank…

Một số thương vụ M&A đình đám trong lĩnh vực ngân hàng đã ghi dấu ấn mạnh thập kỷ qua. Chẳng hạn, thương vụ ông chủ Doji Đỗ Minh Phú mua TPBank và gầy dựng lên thương hiệu ngân hàng bán lẻ ngày nay.

Hay mối lương duyên giữa Sacombank và Eximbank cũng là một điển hình khó quên. Cuối năm 2011, Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn khiến “cha đẻ” của nhà băng này là ông Đặng Văn Thành phải rời Ngân hàng.

Năm 2012, với vốn sở hữu chéo lẫn nhau, hai bên Sacombank - Eximbank, đã ký kết thỏa thuận chiến lược toàn diện. Theo đó, Eximbank cử ông Phạm Hữu Phú sang quản trị ở Sacombank. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, ông Phú quay về Eximbank và kịch bản sáp nhập cũng tan vỡ.

Một thời gian sau, Southern Bank nhập vào Sacombank. Sau đó, Eximbank cắt duyên hoàn toàn với Sacombank bằng việc bán toàn bộ phần vốn trên 8% tại Sacombank.

Sau khi sáp nhập Southern Bank, Sacombank phải gồng mình gánh khoản nợ khổng lồ. Tiếp theo, Sacombank gặp vấn đề liên quan đến nhóm cổ đông lớn là ông Trầm Bê. Sacombank cuối cùng rơi vào tay ông Dương Công Minh đến từ Him Lam Group.

... và hồi kết sau mối lương duyên

Là người vừa có tiền thật, vừa có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, ông Dương Công Minh - chủ mới của Sacombank - được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng này vượt qua khó khăn và tái cơ cấu thành công.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Sacombank đã thu hồi 3.600 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cuối năm 2017 là 4,28%, hiện giảm còn 3,3% và dự kiến giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Sacombank đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm.

Sau gần 1 thập kỷ tái cơ cấu, nỗ lực xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của SHB đến hết quý II/2018 chỉ ở mức 2,297%.    

Nhắc tới nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, giới ngân hàng sẽ nói tới hai thương vụ M&A đình đám đó là các thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua Công ty tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp), rồi liên doanh với đối tác Nhật Bản để hình thành HD Saison ngày nay.

Sau M&A DaiABank, HDBank đã phát triển nhanh chóng. Với mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng ban đầu, đến nay, vốn điều lệ HDBank đạt trên 9.800 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, HDBank đạt lợi nhuận  trước thuế 2.063 tỷ đồng.

HDBank đang tiếp tục chiến lược M&A, với dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank trong năm nay.

Nhìn lại quá trình M&A lĩnh vực ngân hàng từ năm 2011 đến nay, có thể thấy nhiều thương vụ đình đám đã hoàn tất một cách êm đẹp. Dẫu vậy, cũng có một số thương vụ là gánh nặng kéo dài cho những ngân hàng nhận sáp nhập, như  Sacombank, BIDV…

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín, M&A phải mang tính chất tự nguyện mới đem lại thành công. Trong khi đó, thực tế cho thấy, các thương vụ M&A ngân hàng thời gian qua chưa đề cao tính chất này.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục