
Theo báo The Kyiv Post (Ukraine), chỉ còn vài tháng nữa, vào ngày 5/6 tới, thỏa thuận miễn thuế thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine sẽ hết hiệu lực. Trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn tiếp diễn, Ukraine đang phát đi những cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ nền kinh tế nước này bị gián đoạn nghiêm trọng nếu EU không nhanh chóng gia hạn thỏa thuận quan trọng này.
"Tín hiệu sai lầm" và gánh nặng ngân sách
Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko, việc EU trì hoãn hoặc không gia hạn trên (gọi tắt là ATM) sẽ là một "tín hiệu rất sai lầm" và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Ukraine. Xuất khẩu sang EU trong thời gian áp dụng chế độ miễn thuế đã đóng góp gần 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD của Ukraine trong năm 2024. Trung tâm Chiến lược Kinh tế Ukraine ước tính, nếu EU áp dụng lại thuế quan, nền kinh tế Ukraine có thể thiệt hại khoảng 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD).
Không chỉ tác động đến kinh tế, việc mất nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sang EU còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp nguồn lực cho quân đội Ukraine. Trong bối cảnh viện trợ quân sự từ Mỹ vẫn chưa chắc chắn, nguồn thu này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Những rào cản từ nội bộ EU
Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận miễn thuế không hề dễ dàng. Một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria, đang bày tỏ sự phản đối. Họ lo ngại rằng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường nông sản của họ.
Để xoa dịu những lo ngại này, EU đã áp dụng cơ chế "phanh khẩn cấp". Theo đó, nếu lượng nhập khẩu một số sản phẩm nhất định từ Ukraine vượt quá giới hạn quy định, thuế quan sẽ tự động được áp dụng trở lại. Tuy nhiên, điều này vẫn không hoàn toàn thuyết phục được các quốc gia phản đối.
Tình hình chính trị nội bộ của các nước này cũng là một yếu tố gây trở ngại. Theo tờ Financial Times của Anh, các quan chức EU thừa nhận rằng Ba Lan không muốn "gây chiến" với nông dân trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới. Trong khi đó, các quốc gia có quan điểm gần gũi với Nga như Slovakia và Hungary cũng có thể phản đối việc gia hạn thỏa thuận.
Trong bối cảnh thời gian đang cạn dần, Ukraine đang kêu gọi EU đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát. "Các nhà sản xuất của chúng tôi cần khả năng dự đoán về xuất khẩu. EU không thể bắt đầu đàm phán một tuần trước khi quy định hiện tại hết hạn", một quan chức Ukraine nhấn mạnh.
Có thể thấy tương lai của thỏa thuận miễn thuế trên vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu EU không gia hạn, Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế và quân sự to lớn. Ngược lại, việc gia hạn thỏa thuận có thể gây ra những xáo trộn trên thị trường nông sản EU và làm gia tăng căng thẳng chính trị trong khối. Trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, quyết định của EU sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế và khả năng phòng thủ của Ukraine.