Hậu Giang nêu 3 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh

Hậu Giang huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh nghiêm túc, tổng thể, toàn diện.
Hậu Giang nêu 3 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành vừa ký ban hành Chương trình số 274-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm là quán triệt đầy đủ, toàn diện trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để thống nhất nhận thức và hành động; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh nghiêm túc, tổng thể, toàn diện, là nhân tố quan trọng để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Để bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Quy hoạch, Tỉnh ủy Hậu Giang đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh bảo đảm hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh. Xây dựng kế hoạch của UBND Tỉnh theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh; kịp thời cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Trung ương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, những vấn đề lớn, mới phát sinh, phức tạp, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các vùng động lực của tỉnh và liên kết vùng, phát triển bốn trụ cột kinh tế của tỉnh được xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả.

Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các công trình, dự án được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ hiệu quả, tính lan tỏa, thay đổi tình thế, thay đổi trạng thái.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế, theo hướng lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột đột phá phát triển, dịch vụ, du lịch là động lực phát triển, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trong tỉnh.

Triển khai các giải pháp đa dạng hóa các kênh huy động vốn thực hiện Quy hoạch tỉnh; phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực của xã hội; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; phát huy quỹ đất công nghiệp trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tập trung nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu:

Đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục