Trong Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD), ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons đã đưa ra ý kiến đề xuất về việc sáp nhập với CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons để gia tăng sức mạnh.
Đồng thời, ông Dương nhấn mạnh, Coteccons sẽ còn tiếp tục sáp nhập với nhiều công ty xây dựng khác trong thời gian tới.
Theo đại diện của Công ty TNHH PwC Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho Coteccons, nếu Coteccons thực hiện M&A với Ricons sẽ có cơ hội trở thành công ty hàng đầu trong ngành xây dựng, mở rộng sang cả các phân khúc thấp, trung cấp; mở rộng sang cả lĩnh vực thi công hạ tầng và công nghiệp; có thêm nhiều hơn những khách hàng mới; có thể tham gia các dự án quy mô…
“Lợi ích quan trọng của sáp nhập là mở rộng sang phân khúc, thị trường mới, mở rộng khách hàng, mở rộng sang thị trường xây dựng công nghiệp, hạ tầng, mở rộng sang việc nhận thầu các siêu dự án, mang lại thu nhập và tích lũy cho Coteccons trong dài hạn”, đại diện PwC cho biết.
Tuy nhiên, đại diện PwC cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức, theo đó, khi công ty càng lớn càng có nhiều rủi ro trong kinh doanh, trở nên nhạy cảm hơn với các biến động thị trường, nhất là là thị trường bất động sản…
Đặc biệt, thời điểm sáp nhập cũng là một thách thức khi kế hoạch thực hiện được đưa ra trong giai đoạn thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM đang siết chặt việc cấp phép dự án mới, rà soát lại hàng loạt các dự án trước đó.
Đại hội đồng cổ đông của Coteccons năm nay khá nóng với những tranh luận, chủ yếu quanh việc M&A cùng Ricons. Ảnh: Bình Minh.
Cũng thừa nhận về thực tế này, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng Quản trị Coteccons cho rằng, năm 2018 là năm đầy biến động với thị trường bất động sản với những thuận lợi, khó khăn đan xen. Năm 2019 cũng được dự báo không ít những thách thức và hiện Coteccons cũng có tới khoảng 40 dự án dang dở do những tác động từ thị trường.
Trước kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh và M&A được đưa ra, ngay lập tức, kế hoạch này đã nhận phải phản ứng của Kustocem Pte. Ltd, cổ đông lớn nhất trong danh sách các cổ đông lớn của Coteccons, với việc sở hữu 13.906.666 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 17,75%.
Đại hội diễn ra căng thẳng và không có được sự thống nhất giữa Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: Bình Minh.
Theo đại diện của Kustocem Pte. Ltd, thương vụ mua bán sáp nhập với Ricons không cho thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng, không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại.
Thay vào đó, Kustocem tin rằng việc ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của Công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này.
Đặc biệt, theo Kustocem Pte. Ltd, việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý, cho đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng.
Đại diện Kustocem Pte. Ltd nhấn mạnh: “Chúng tôi thông báo với Đại hội đồng cổ đông như sau: Kustocem sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền đồng ý cho Hội đồng quản trị về chiến lược M&A sắp tới”.
Theo Kustocem Pte. Ltd: "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các cổ đông của Coteccons sẽ hiểu quyết định của Kustocem. Chúng tôi trân trọng yêu cầu Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị dừng ngay những việc liên quan tới thương vụ M&A với Ricons, và tập trung vào chiến lược phát triển giá trị cốt lõi của Coteccons để đưa Công ty quay trở lại con đường thành công với hoạt động kinh doanh vượt trội".
Nêu quan điểm về vấn đề sáp nhập với Ricon, đại diện Công ty Đầu tư và Kinh doanh Thành Công (cổ đông của Coteccons) cho biết: Đến với Đại hội, tôi vẫn mang tâm thế đặt câu hỏi lớn là nên hay không nên sáp nhập!
"Phần trình bày của PwC còn nhiều điểm chưa thuyết phục. Chúng ta cần ngồi lại và chia sẻ thêm với nhau để các cổ đông đều biết. Cổ đông của Kustocem Pte. Ltd không chắc là cổ đông của Ricons, bởi vậy, tiến trình này không thể vội vàng".
"Tôi đề nghị không đưa ra biểu quyết trước khi có trao đổi, thống nhất với nhau trước. Vì nếu biểu quyết không thành công thì sẽ ảnh hưởng tới cổ phiếu và quyền lợi của các cổ đông, ngoài ra, nó cũng tạo tâm lý lo lắng giữa cổ đông hai doanh nghiệp", đại diện Công ty Đầu tư và Kinh doanh Thành Công.
Cũng tại Đại hội, một cổ đông của cả Coteccons và Ricons cho biết: Đại hội mới chỉ tập trung đề cập đến việc M&A với Ricons chứ chưa hề tính đến các tình huống như việc đề xuất này không được thông qua hay việc Ricons có đồng ý “gả mình” cho “nhà trai” Coteccons hay không.
Cũng theo cổ đông này, việc Hội đồng Quản trị Coteccons và Ban Điều hành chưa thống nhất được về đề xuất đưa ra đã khiến Đại hội có những tranh luận lớn, tốn thời gian và có thể gây ra cái nhìn thiếu tích cực về Coteccons.
“Tôi là cổ đông của Coteccons, đồng thời cũng là cổ đông lớn của Ricons. Và với những tranh luận như hiện tại, theo tôi nên tạm dừng đề xuất này để tập trung vào các vấn đề khác. Nhìn vào diễn biến của Đại hội, với tư cách là cổ đông lớn tại Ricons, tôi cũng không đồng ý M&A với Coteccons do bản thân Ban lãnh đạo doanh nghiệp này chưa có được sự thống nhất”, cổ đông này cho biết.
Trước những ý kiến trái chiều về việc Coteccons sáp nhập cùng với Ricons, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons đã phải tuyên bố dừng lại việc bàn về việc sáp nhập M&A, ông Dương cũng cho biết không muốn bàn về các thương vụ M&A.
“Tôi thấy việc M&A quá phức tạp. Bản thân Ricons cũng không vui vẻ gì khi bị mang ra mổ xẻ như vậy”, ông Dương nói.