HASTC-Index lùi sau vạch xuất phát: Cơ hội có bắt đầu?

Không phải lần đầu tiên HASTC-Index xuống dưới 100 điểm, song ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội (HASTC) vẫn không khỏi cảm giác buồn và lo lắng, khác với thời điểm cách đây 2 năm, sàn Hà Nội giờ có quy mô và sức lan tỏa hơn rất nhiều. ĐTCK chuyển tải tâm sự của người đứng đầu thị trường với hy vọng chia sẻ một góc nhìn đồng cảm với nhà đầu tư.

HASTC-Index đóng cửa phiên giao dịch sáng 27/11 còn 97,61 điểm, ông nhìn nhận ra sao về đợt sụt giảm rất mạnh này?

HASTC-Index giảm mạnh có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, trong trào lưu kinh tế cả thế giới khủng hoảng như thế này, tâm lý nhà đầu tư chịu tác động rất mạnh. Khủng hoảng có dấu hiệu kéo dài, từ tác động ở thị trường bất động sản, ngân hàng giờ chuyển sang khó khăn về tăng trưởng, suy thoái kinh tế. Trong các dự báo thì hầu hết cho rằng, suy thoái kinh tế kéo dài sang giữa năm 2009, một số tổ chức nhận định, kinh tế Mỹ khó khăn hết quý III/2009. Bối cảnh kinh tế thế giới như vậy đã có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) rút vốn (dù không phải xu hướng chủ đạo vì hầu hết quỹ đầu tư tại Việt Nam là quỹ đóng). Điều này vừa tác động đến cung cầu trên thị trường, vừa tác động đến tâm lý những nhà đầu tư khác.

Một lý do chủ quan là hầu hết doanh nghiệp lên sàn Hà Nội vào thời điểm cuối năm 2006, đầu năm 2007 (80 doanh nghiệp trên tổng số 161 doanh nghiệp đang niêm yết), đó là thời điểm TTCK hoàng kim nhất nên giá giao dịch những phiên đầu rất cao. Từ quý II/2007 đến nay, xu hướng đi xuống kéo HASTC-Index xuống nhanh hơn. Trên thực tế, khó khăn như hiện nay có doanh nghiệp lao đao, song vẫn có doanh nghiệp chèo chống tốt và tiếp tục phát triển.

Có nhiều nhà đầu tư cho rằng, HASTC-Index xuống dưới 100 điểm có nghĩa thị trường về số 0. Hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?

HASTC-Index phản ánh biến động bình quân gia quyền về giá cổ phiếu so với giá ngày đầu niêm yết, vì thế chỉ số này xuống dưới 100 điểm không có nghĩa thị trường về số 0, mà chỉ có nghĩa giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu thấp hơn ngày đầu tiên niêm yết. Nhà đầu tư cũng lưu ý rằng, đây không phải là lần đầu tiên HASTC-Index xuống dưới 100 điểm, có những lần chỉ số xuống dưới mức này vào năm 2005 và diễn ra trong thời gian dài, khi đó quy mô sàn Hà Nội nhỏ, nhà đầu tư chưa chú ý. Nay quy mô thị trường lớn hơn rất nhiều, nhà ĐTNN đầu tư và biết đến sàn Hà Nội, nên đáy lần này có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong hầu hết phiên giao dịch trước, chỉ số chứng khoán Việt Nam biến động cùng chiều với các chỉ số trên TTCK thế giới, tuy nhiên 4 phiên vừa qua TTCK Mỹ tăng điểm khá mạnh song thị trường Việt Nam vẫn đi xuống. Liệu có phải nhà đầu tư trong nước đang lo lắng thái quá?

Khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, xuất hiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư về gói giải pháp của Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đưa ra liệu đi đến đâu? Có thực sự cứu được kinh tế không? Nhà đầu tư trong nước nghi ngại thị trường thế giới tăng điểm chỉ là nhất thời, họ chưa tin đó là xu hướng mạnh mẽ. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý rất nhiều ý kiến của các tổ chức lớn trên thế giới cho rằng, kinh tế thế giới khó khăn song đang đi vào thế ổn định, kinh tế Việt Nam còn khó khăn song sẽ xuất hiện dưới dạng mới. Tâm lý nhà đầu tư Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh cần chờ thị trường thế giới ổn định thêm thời gian nữa.

Ông nói rằng, giá cổ phiếu trên HASTC hiện thấp hơn giá giao dịch những ngày đầu, như vậy phải chăng có thể suy xét cơ hội đầu tư đang đến?

Cá nhân tôi cho rằng, đó là cơ hội tìm kiếm những cổ phiếu cho mục đích đầu tư dài hạn. Các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế đều nhận định, suy thoái kinh tế thế giới phải kéo dài hết quý II/2009, còn trong những cuộc tiếp xúc với những tổ chức tài chính thận trọng hơn như Merrill Lynch, tôi thấy, họ nhận định hết quý III/2009. Nếu xác định cuối quý II/2009 là đáy thì TTCK bao giờ cũng phản ứng trước.

Vậy trong bối cảnh như hiện nay, cơ quan tổ chức thị trường như HASTC có thể làm gì để hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư?

Là một thành viên thị trường, chúng tôi chỉ cố gắng bảo đảm hệ thống giao dịch vận hành suôn sẻ, tạo điều kiện thanh khoản thị trường, đừng để hệ thống trục trặc. Giai đoạn này cũng cần chú ý nhiều hơn tính công khai minh bạch của thị trường, nhất là trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết. Tâm lý nhà đầu tư không ổn định, nhiều doanh nghiệp trong khó khăn có thể cố tình giấu lỗ, nếu kiểm soát không chặt có tình huống xấu xảy ra. Cơ quan tổ chức thị trường cũng cần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động giao dịch và quy chế công bố thông tin.

Ở góc độ vĩ mô, tôi tin, ưu tiên số 1 của Chính phủ là ổn định kinh tế, tăng trưởng bền vững. Và tôi cho rằng, một chính sách được chờ đợi nữa là giãn thuế hoặc áp dụng thuế suất thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán bằng 0. Nếu có áp dụng thuế chứng khoán, thị trường thế này thu cũng không được bao nhiêu, mà tổ chức thu phức tạp lại có thể gây ra nhiều hệ lụy khác.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục