Theo đó, doanh thu quý II của HAP đạt 121,8 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng 77% lên 103 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 18,66 tỷ đồng, tăng 135%.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính ghi nhận hơn 4 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ chủ yếu do lãi tiền gửi, cho vay gấp 2,2 lần. Chi phí tài chính tăng 123% lên 937,3 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 297,4 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 171% và 110%, dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động từ hoạt động kinh doanh đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 41%.
Cuối kỳ, Công ty báo lợi nhuận sau thuế 7,57 tỷ đồng, tăng 14%.
Theo giải trình của HAP, mặc dù sản xuất kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các Công ty thành viên đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, tối giản các chi phí; thu lợi nhuận của Công ty con và tạm thu lợi nhuận của Công ty liên kết, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý II/2021 tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAP đạt 209,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 33%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 16 tỷ đồng và hơn 13 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 60,64% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự kiến đạt 470 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng, nửa đầu năm Công ty mới hoàn thành lần lượt 44,5% và 20% các kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/06/2021, HAP có tổng tài sản hơn 816 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm. Nợ phải trả phần lớn là nợ ngắn hạn, chiếm 10% nguồn vốn. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 27 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 22/7, cổ phiếu HAP đứng tại giá tham chiếu 11.500 đồng/CP.