Hấp lực từ du lịch trải nghiệm

Cùng với định hướng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, huyện Mê Linh sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa, kết hợp du lịch trải nghiệm, sinh thái, tạo động lực để phát triển bền vững và hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Nghề trồng hoa mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ dân ở huyện Mê Linh. Nghề trồng hoa mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ dân ở huyện Mê Linh.

Điểm đến mới trong tour du lịch Hà Nội

Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với 161 di tích lịch sử văn hóa - nghệ thuật giá trị, trong đó, có 74 di tích đã được xếp hạng. Những di tích lịch sử này đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch tâm linh kết hợp du lịch trải nghiệm. 

Nhiều năm  gần đây, huyện Mê Linh được coi là “vựa” sản xuất hoa, cây cảnh, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội, khu vực phía Bắc và xuất khẩu. Ông Bùi Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn huyện có gần 1.000 ha trồng các loại hoa, cây cảnh. Nghề trồng hoa đã thu hút hàng ngàn hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 100 hộ kinh doanh nhà vườn chuyên trồng hoa kiểng, hoa thế, bonsai, mang lại giá trị kinh tế cao, đạt doanh thu từ trên 200 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ.

Ông Phạm Đức Tài (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh), chủ nhà vườn Thùy Anh (rộng trên 5.000 m2) chia sẻ, mỗi tháng, nhà vườn cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chậu hoa các loại. Mô hình nhà vườn Thùy Anh được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá cao và lựa chọn làm mẫu để các xã lân cận tham quan, học tập.

Trong số các vùng chuyên canh của Mê Linh, xã Tráng Việt là địa chỉ nổi tiếng với nghề trồng rau, củ, quả; tổng diện tích 304 ha, trong đó có 134 ha canh tác theo hướng an toàn và 10 ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh các loại rau ăn lá phổ biến, củ cải (giống Hàn Quốc, Nhật Bản) là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao của Tráng Việt. Toàn xã hiện có khoảng 90 ha chuyên trồng củ cải gối vụ, mỗi năm 5 lứa, năng suất trung bình 80 tấn/ha, doanh thu 500 triệu đồng/lứa.

“Với những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp như trồng hoa, sản xuất rau an toàn, phát triển các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, huyện Mê Linh đang phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - sinh thái, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm”, ông Quang chia sẻ.

Bức tranh nông thôn mới

Khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới (năm 2010), toàn huyện Mê Linh chỉ đạt 1 tiêu chí an ninh trật tự, các tiêu chí còn lại đều thấp, hạ tầng còn yếu và thiếu đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 8,64%...

Trước thực trạng đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới, bố trí nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí. Với định hướng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa.

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau an toàn, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Toàn huyện cũng có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 3 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp... góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, đạt từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, Mê Linh cũng tích cực vận động nhân dân đóng góp, xây dựng đường làng, ngõ xóm, giao thông, thủy lợi nội đồng với giá trị công trình được xây dựng khoảng 67 tỷ đồng.

“Xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đến năm 2018, huyện đã xây dựng được 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 phấn đấu hoàn thành nông thôn mới ở 2 xã còn lại (Tự Lập và Tam Đồng), để hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2020”, ông Quang hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh đó, xác định được vai trò và thế mạnh của du lịch trong phát triển kinh tế địa phương, năm 2018, huyện đã triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Mê Linh giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ tăng cường quảng bá du lịch tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống trên địa bàn.

“Huyện sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP. Hà Nội tiến hành khảo sát sản phẩm du lịch, xây dựng tour du lịch tham quan di tích lịch sử, danh thắng, kết hợp trải nghiệm các cánh đồng trồng rau an toàn và các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tập trung vào hai mũi nhọn chính là du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái và xác định, đây chính là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện phát triển bền vững”, ông Quang khẳng định.

Đến nay, huyện Mê Linh đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới như: cứng hóa đường giao thông trục chính và liên thôn, đường giao thông ngõ xóm; nhà văn hóa thôn (100% các thôn có nhà văn hóa); trạm y tế; cải tạo, đầu tư xây dựng các trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn phục vụ công tác dạy và học; tỷ lệ chất thải được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 99%…

Nga Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục