Theo đại biểu Trình Lam Sinh, trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
"Quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 về điều kiện để kinh doanh bất động sản còn chung chung. Để thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đảm bảo đầy đủ điều kiện, tránh trường hợp bỏ sót nhiều tổ chức không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia kinh doanh bất động sản, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh, bổ sung quy định này", đại biểu Trình Lam Sinh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề xuất phải có quy định rõ để loại trừ các hành vi thao túng giá trên thị trường bất động sản.
Liên quan đến các điều cấm tại Điều 18 của dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị vấn đề này cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản.
“Hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, trong luật cần cấm hành vi này và có quy định để loại trừ” đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.
Đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng trên thị trường.
Cũng liên quan đến việc quy định rõ các hành vi cấm thao túng trên thị trường bất động sản, dự thảo Luật mới nhất dù đã bỏ quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn và đã bổ sung Điều 59 về quản lý hoạt động các sàn giao dịch bất động sản quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản cấp tỉnh trong quản lý hoạt động các sàn, tuy nhiên, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng cần cụ thể hơn trong Luật ở một số điểm.
Thứ nhất là có quyền lợi trực tiếp với bất động sản, loại trừ khoản hoa hồng được chiết khấu mà không tiết lộ quyền lợi đó đối với người mua bất động sản.
Thứ hai là xúi giục một bên vi phạm hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán để giao kết hợp đồng mới với người khác.
Thứ ba là tự ý tăng giá, gài giá bất động sản để trục lợi trái ý muốn với các bên tham gia giao dịch.
Thứ tư là tham gia môi giới để các bên ký kết hợp đồng nhưng không thông báo đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến bất động sản cho các bên tham gia giao dịch.
Ngoài ra, các thành viên thị trường cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc bảo đảm minh bạch thông tin để khách hàng chủ động an toàn trong việc tìm mua sản phẩm bất động sản.
Dự thảo luật cũng cần có quy định về thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên thông giữa cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với hệ thống thông tin đất đai và với các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành khác, như đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, chứng thực đấu giá, thi hành án dân sự nhằm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trong việc thực hiện các giao dịch dân sự.
Theo TS. Trần Xuân Lượng, Chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân: "Thông tin dữ liệu chuẩn là rất quan trọng bởi từ việc có dữ liệu sạch, chúng ta sẽ đề ra những quyết sách, chính sách đúng và trúng, hạn chế các hành vi thao túng, đồng thời cũng đảm bảo cho hoạt động quản lý, giám sát thu ngân sách tối đa, từ đó sẽ tái đầu tư cho lợi ích của cộng đồng".