“Trong môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, rủi ro pháp lý là thứ luôn hiện hữu trong từng quyết định, hành động, hồ sơ, không thể coi thường”. Đó là quan điểm của luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO trong cuộc trao đổi riêng với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2015.
Theo phân tích của luật sư Hải, có một sự trùng lặp khá lạ của mỗi chu kỳ phát triển ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Sự khởi đầu thường là sự kết thúc của các “đại án”.
Với vụ án Epco - Minh Phụng xảy ra vào nửa cuối thập niên 1990. Khởi nguồn và kết thúc của vụ án xoay quanh phương án đầu tư bất động sản quy mô lớn của doanh nghiệp. Huy động vốn đầu tư đến vài trăm triệu USD dưới hình thức tín dụng thương mại hàng hoá để kinh doanh bất động sản.
Theo phương án này, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhưng chậm thanh toán dưới sự bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng tiền thu được từ phân phối hàng nhập khẩu để đầu tư kinh doanh bất động sản. Cộng thêm những khoản tài trợ tín dụng khác từ ngân hàng, doanh nghiệp đã tăng trưởng quy mô kinh doanh bất động sản cực lớn. Sau đó, do yếu tố thị trường, bất động sản sụt giá trong khi gần như toàn bộ phương án vay phụ thuộc vào bất động sản, nên đã dẫn đến thảm kịch pháp lý cho doanh nghiệp.
Cũng theo luật sư Hải, đây là vụ án kinh điển của ngành ngân hàng. Vụ án làm nổi bật lên những vấn đề như “lách luật”, vượt qua giới hạn pháp lý, cho vay tỷ trọng lớn đối với một loại sản phẩm tín dụng, đầu tư rủi ro tập trung vào một nhóm khách hàng, định giá tài sản bảo đảm tiền vay… Đây là những điểm nhấn pháp lý của vụ án này.
Cho đến nay, ngành ngân hàng vẫn còn tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm và bài học quản trị từ vụ án. Và kinh nghiệm này, trong cuộc trao đổi, luật sư Hải cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục bổ sung sau các đại án bầu Kiên, Huyền Như… vừa mới xét xử.
Luật sư Trần Minh Hải đã từng gắn bó với ngành ngân hàng trên các cương vị Giám đốc Pháp chế, thành viên HĐQT của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam như VIB, LienVietPostBank, Maritime Bank, OCB. Luật sư Hải đã cùng với Công ty luật BASICO của ông có mặt tại hầu hết các đại án của ngành ngân hàng như Đại án Bầu Kiên, Đại án Huyền Như, Đại án Đăk Nông... trong vai trò bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng cùng cán bộ ngân hàng.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những điểm nhấn pháp lý mà ông vừa nhắc tới?
Như chuyện thế nào là “lách luật”. Nhìn vào thời điểm xảy ra vụ Epco Minh Phụng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ được phép cho vay, cấp bảo lãnh thanh toán đến 10% vốn tự có của mình cho một khách hàng.
Để tiếp nhận nguồn vốn thương mại hàng hóa từ nước ngoài, cả ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng nhau vượt qua giới hạn trên. Hàng nghìn tỷ đồng là số tiền quá lớn so với vốn tự có của các ngân hàng tại thời điểm đó. Nếu như thực hiện máy móc theo quy định về giới hạn pháp lý tín dụng, đòi hỏi doanh nghiệp phải đi quan hệ với rất nhiều ngân hàng hoặc xin được đồng tài trợ hợp vốn của nhiều ngân hàng. Trong khi đó, thực tế của môi trường kinh doanh quan hệ trong ngành, thì việc duy trì quan hệ với số ít ngân hàng có lợi hơn nhiều cho doanh nghiệp.
Vậy sẽ ra sao nếu doanh nghiệp tập hợp các pháp nhân khác, trong đó mỗi pháp nhân là một khách hàng, cùng xin cấp tín dụng tại một ngân hàng. Cách này hoàn toàn đáp ứng giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng. Thực tế, nhóm Epco Minh Phụng đã lựa chọn phương án trên, với việc thành lập và sử dụng tư cách của 39 pháp nhân nhằm xin cấp tín dụng tại số ít ngân hàng.
Nếu hiểu theo nguyên lý được làm những gì mà pháp luật không cấm, thì cách vận dụng đó không hề sai phạm, bởi các doanh nghiệp thuộc nhóm Epco Minh Phụng đều thực sự tham gia vào phương án kinh doanh. Nhưng sau này việc hợp lý hoá giới hạn đó đã bị coi là “lách luật”, là thủ đoạn nguy hiểm góp phần tạo nên một bản án hình sự nghiêm khắc nhất, tử hình đối với Tăng Minh Phụng.
Dưới con mắt của những doanh nhân, người làm nghề ngân hàng, sự “lách luật” là điều hầu như họ luôn suy tưởng đến trong những giao dịch, phi vụ đầu tư hướng tới giá trị lợi nhuận. Tuy nhiên, kinh nghiệm quản trị rủi ro pháp lý là “lách luật” trong phạm vi dân sự, kinh doanh thương mại, thì có thể không sai, nhưng rơi vào trong một vụ án hình sự, thường sẽ bị coi là thành thủ đoạn gian dối, lừa đảo tinh vi vô cùng nguy hiểm.
Với quản lý rủi ro tín dụng của ngành ngân hàng, vụ án cũng là bài học về những giới hạn cấp tín dụng cần thiết xác định cho nhóm doanh nghiệp vay vốn, cho sự tập trung vốn đầu tư vào một sản phẩm tín dụng và cho vay bảo đảm bằng bất động sản. Có những vấn đề sau này được pháp luật hóa, như mãi cho đến năm 2005, giới hạn cho vay nhóm khách hàng liên quan lần đầu tiên được quy định tại Quy chế số 457 của Ngân hàng Nhà nước.
So sánh với Epco Minh phụng - vụ án của quá khứ, hiện tại chúng ta vừa trải qua các đại án lớn như Bầu Kiên, Huyền Như…, có gì giống và khác về các đại án này?
Đối với ngành ngân hàng, vụ án bầu Kiên và vụ án Huyền Như có một gạch nối về trách nhiệm pháp lý trong quản trị kinh doanh của ban lãnh đạo ngân hàng. Thời điểm phát sinh những hành động sau này bị suy xét trong vụ án hình sự cũng là khoảng thời gian chứng kiến sự khủng hoảng của ngành ngân hàng.
Lạm phát cao, áp lực lãi suất lớn trên thị trường huy động dân cư (giao dịch giữa ngân hàng với dân cư, tổ chức kinh tế), tình trạng thiếu vốn tạo áp lực thanh khoản ở ngân hàng này cùng với nhu cầu cân đối vốn, giảm thiểu áp lực kinh doanh ở ngân hàng khác, đã dẫn đến nhu cầu lách luật của các ngân hàng. Để tránh những ràng buộc, giới hạn pháp lý trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng đã lựa chọn giao dịch dưới vỏ bọc của thị trường 1. Có ngân hàng thì trao vốn qua doanh nghiệp, để sau đó doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng cần vốn.
Có ngân hàng lại có giải pháp ủy thác vốn cho cá nhân cán bộ nhân viên, để sau đó họ đi gửi tiền vào ngân hàng đang thiếu vốn. Việc làm trên có thể đáp ứng được nhu cầu cung - cầu chính đáng, bảo đảm lợi ích riêng biệt của ngân hàng, doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh khó khăn của thị trường, vô hình trung đã gián tiếp phá vỡ những nỗ lực kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất, để giảm thiểu khủng hoảng của nền kinh tế.
Một môi trường kinh doanh ngân hàng mà yếu tố lách luật, vượt giới hạn pháp lý trở nên quá phổ biến, những chuẩn mực quản trị rủi ro bị xáo trộn dễ dàng, thì cơ hội cho tội phạm chiếm đoạt tiền không hề thiếu. Những thủ đoạn lừa đảo trong vụ án Huyền Như không đại diện cho sự tinh vi, cao siêu về thủ thuật. Chúng chỉ là dấu hiệu cho thấy hành lang pháp lý, môi trường quản trị nội bộ của ngành ngân hàng đầy thiếu sót, bất cẩn.
Cũng giống như vụ án Epco Minh Phụng trước đây, hai vụ án này đều gây nên sự chú ý lớn đối với dư luận. Do các vụ án đều liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, huyết mạch nhạy cảm của nền kinh tế.
Các vụ án cũng là nơi tiếp xúc giữa cách hiểu luật và cách áp luật trong kinh doanh. Thế nào là kinh doanh trái phép phải chịu trách nhiệm hình sự, phân biệt giữa tránh thuế với trốn thuế, cơ sở nào để xác định ranh giới cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của nhà nước… Từ đây làm lộ diện nhưng điểm mờ, khoảng trống về pháp lý mà nhất thiết pháp luật cần hoàn thiện. Nếu không, sẽ gây nên những tác động rất tiêu cực đến quản trị kinh doanh ngân hàng.
Sau cùng, từ các đại án, đối với những doanh nhân quản trị ngân hàng, ông cho rằng những kinh nghiệm quản trị rủi ro pháp lý cho chính ngân hàng là gì?
Nếu chúng ta lưu ý sẽ thấy trong các vụ án lớn, cán bộ từ giám đốc chi nhánh trở xuống thường hay can án về những hậu quả tín dụng, còn lãnh đạo cấp cao thường chỉ chịu trách nhiệm về những giao dịch phái sinh hoặc rút ruột quy mô lớn.
Với môi trường kinh doanh nhiều cơ hội, thường khó mà phân biệt giao dịch kinh doanh này mang tính đầu tư hay đánh bạc. Nhưng kết quả sau cùng sẽ do chính thị trường quyết định. Khi hậu quả tiền bạc phát sinh, thì những vấn đề ta mặc nhiên coi là đúng, không chú trọng đến giới hạn rủi ro tại thời điểm triển khai, có thể bị quy kết là “lách luật”, là hành vi, thủ đoạn tinh vi nguy hiểm, dẫn tới trách nhiệm pháp lý nặng nề. Do vậy, trong môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, rủi ro pháp lý là rủi ro luôn hiện hữu trong từng quyết định, hành động, hồ sơ, không thể coi thường.