Hành trình từ Đèo Cả, Cù Mông đến đèo Hải Vân

Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả đang ghi dấu nỗ lực, tâm huyết và cả mồ hôi công sức của những doanh nghiệp Việt Nam trong từng giai đoạn. Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang muốn mỗi nét vẽ, mỗi viên gạch của Dự án đều thể hiện khát vọng người Việt Nam phải làm được những công trình tốt đẹp cho đất nước.
CEO Hồ Minh Hoàng CEO Hồ Minh Hoàng

1. Cuối tháng 9/2015, khi sự kiện động thổ xây dựng Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông và thông xe kỹ thuật hầm Cổ Mã - một trong những hạng mục của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đang diễn ra sôi động trước sự chứng kiến của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhà thầu, đối tác và đông đảo người dân quanh vùng, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) đã âm thầm lui về một phía.

Ông muốn tìm một góc nhìn bình tĩnh từ bên ngoài cho riêng mình, thay vì cuốn theo những cảm xúc rất khó tả khi từng bước hiện thực hóa những công trình mà trước đó, nhiều người đã không dám mơ đến.

Khi đó, ông Hoàng đã tâm sự rằng, trong vai chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, ông muốn khẳng định sự đúng đắn của chính sách xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng của nước ta; muốn thể hiện sự trưởng thành của nhà đầu tư, nhà thầu Việt Nam trong những công trình lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

“Sâu thẳm trong mỗi chúng tôi đều muốn khẳng định một điều, người Việt Nam hoàn toàn đủ kiến thức, tầm nhìn và ý chí để làm được những công trình lớn này”, ông Hoàng tâm sự.

Quay ngược lại thời gian, không ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã có chủ trương nhanh về việc giao cho DCIC đầu tư tiếp Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, một trong những con đèo nguy hiểm nhất còn sót lại trên Quốc lộ 1A.

Theo đánh giá của ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), đây là quyết định chính xác, bởi lẽ qua quản lý và điều hành triển khai Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, DCIC đã chứng minh được năng lực triển khai các dự án giao thông lớn theo hình thức đầu tư công - tư.

Ngay cả nguồn vốn đầu tư 3.921 tỷ đồng cho Dự án hầm Cù Mông mà Bộ Giao thông - Vận tải cho phép chuyển từ nguồn vốn đầu tư Hầm đường bộ qua Đèo Cả cũng là do DCIC tiết kiệm được nhờ vào các giải pháp cùng kỹ thuật tinh tế trong thi công, với tổng vốn tinh giảm hơn 4.000 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư cho Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông không phát sinh thêm chi phí mới.

Trong bối cảnh các dự án đầu tư thường bị đội vốn, nhất là các dự án công trình giao thông, giới đầu tư trong ngành đã từng nói đây là điểm đặc biệt đáng ghi nhận.

Thực ra, không phải mọi việc đều thuận lợi ngay từ đầu. Khi chia sẻ về Dự án này, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt thừa nhận, giai đoạn đầu khi DCIC triển khai Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, nhiều con mắt tỏ ra nghi ngờ. Cũng dễ hiểu, vì về năng lực cũng như kinh nghiệm, DCIC là một thương hiệu mới. Điểm mạnh duy nhất của Công ty khi đó là có được các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, tâm huyết với Dự án và sự quyết tâm của dàn lãnh đạo trẻ của DCIC.

Nhưng hiện tại đã khác. Tiến độ dự án, chất lượng công trình, cung cách quản lý trên công trường và mối quan hệ giữa chủ đầu tư DCIC với chính quyền địa phương, các đối tác, nhà thầu đã khiến DCIC lớn dần lên, khẳng định được uy tín, chất lượng của một chủ đầu tư công trình quy mô lớn.

Điều quan trọng nữa, theo Tổng giám đốc Hồ Minh Hoàng, những người dân trong vùng đã tin rằng, các công trình mà Nhà nước đầu tư sẽ đem lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn.  

2. Với những người chứng kiến chặng đường thăng trầm, khó khăn, nhiều lúc tưởng như khó vượt qua của DCIC với Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, có thể hiểu rằng, giai đoạn khó khăn nhất của Công ty, nhất là người điều hành trực tiếp - CEO Hồ Minh Hoàng – đã qua. Đúng như câu nói của ông Hoàng với các cộng sự mỗi lần Dự án gặp khó khăn rằng: “Mình cứ nỗ lực hết sức, hết tâm của mình, một ngày nào đó, kết quả của công việc sẽ nói lên tất cả”.

Nhưng không dễ để “hết tâm, hết sức” với một dự án quy mô tới hơn 16.000 tỷ đồng. Ông Hoàng thừa nhận như vậy vì đầu tư lĩnh vực hạ tầng không đơn giản, đòi hỏi sự dung hòa giữa các mối quan hệ, đảm bảo lợi ích cho tất cả những đối tượng liên quan. Trong điều hành trực tiếp, nhà đầu tư phải có những cách xử lý linh hoạt hơn, lúc cứng, lúc mềm để hướng đến mục tiêu cho toàn dự án.

Đơn cử, trong quá trình triển khai dự án, DCIC dám tạm ứng cho nhà thầu lên đến 40%, thậm chí mời gọi nhà thầu cùng tham gia dự án. Quyền lợi nhà thầu rất nhiều, nhưng đổi lại, họ phải có trách nhiệm, xem dự án như là của mình, sống chết với dự án.

Hoặc công ty từng thực hiện chính sách bình ổn giá vật liệu, một chính sách tuy đơn giản, nhưng cũng đã thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư đối với nhà thầu, giúp nhà thầu yên tâm với công việc mình đảm nhận. Hay chính sách kích thích tiến độ, Tổng giám đốc sẵn sàng cho phép nhà thầu lấn sang hạng mục của đơn vị khác trên cùng một gói thầu nếu như đơn vị đó triển khai thi công tốt hơn…

“Nếu vấn đề được xử lý đều xuất phát từ nguyên tắc chung là hiệu quả cao nhất của Dự án, với tâm huyết và mục tiêu tạo ra được những giá trị xã hội – nhân văn tốt đẹp, thì tôi tin mọi khó khăn đều có lời giải. Hơn thế, chúng tôi còn tìm được những tiếng nói chung, không chỉ trong nội bộ Công ty, mà còn với các nhà thầu, đối tác… nhờ những mục tiêu cụ thể này”, ông Hoàng chia sẻ.

Những thành công của DCIC trong các công trình có nhiều dấu ấn của Hồ Minh Hoàng và những cộng sự nhiệt huyết, yêu nghề mãnh liệt. Họ đang được đền bù xứng đáng khi Dự án ngày càng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo trung ương, địa phương, của các nhà thầu và từng người dân.

Công việc của DCIC vẫn còn rất nhiều, nặng nề không kém. Nhưng “đội thuyền” do thuyền trưởng Hồ Minh Hoàng cầm lái đã được tôi luyện, đang vững tin dong buồm ra biển lớn.  Họ không ngại bất cứ một con sóng cả nào. 

3.Trong một lần đến thăm Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh rằng, một trong những thành công nhất của Dự án này chính là tạo nên một thế hệ kỹ sư mới, một thế hệ nhà thầu trong nước, nhà đầu tư Việt Nam có thể đủ sức đảm nhận được các dự án hạ tầng có độ khó mà trước đây chỉ có thể là nhà thầu quốc tế đảm nhận.

Riêng với Đèo Cả, chủ đầu tư lại là một doanh nghiệp tư nhân trong nước, đã thu xếp được nguồn lực tài chính để thực hiện hình thức đối tác công - tư trong dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn. Đó là điểm đặc biệt, vì thực tế, không phải nhà đầu tư dân doanh nào trong nước cũng đủ vững tin để đảm nhận vai trò này.

“Tôi mừng vì tâm huyết của mình đã được ủng hộ. Nhưng trước hết, phải khẳng định rằng, chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện, cơ hội để cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lớn lên, thể hiện được năng lực, trí tuệ và tâm huyết của mình với đất nước”, ông Hoàng chia sẻ khi được hỏi về Dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân mà DCIC vừa được nhận.

Hiện tại, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và tiếp tục giao DCIC làm chủ đầu tư.

Và với uy tín đã được khẳng định từ Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, VietinBank - một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay lại tiếp tục bắt tay cùng DCIC thông qua tài trợ Dự án đầu tư xây dựng hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân giai đoạn 1, với hợp đồng tín dụng trị giá 1.190 tỷ đồng.

Hành trình từ Đèo Cả, Cù Mông rồi đến Hải Vân như một thước phim mô phỏng chặng đường lớn lên của DCIC trên mỗi nấc thang trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Nhưng cũng là bước ngoặt cho đầu tư hạ tầng tại Việt Nam, khi DCIC, ông Hồ Minh Hoàng và những cộng sự vẫn đang hết mình vì khát vọng người Việt Nam phải làm được những công trình lớn cho đất nước, cho cuộc sống tốt đẹp hơn của những người dân nơi các công trình đi qua.

Sơn Thắng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục