Trên đất Campuchia
Một kỹ sư Việt Nam qua Campuchia công tác theo yêu cầu của cơ quan trong một dự án phát triển mạng lưới điện vùng cao Borkor, thuộc tỉnh Preah Shihanouk. Một sáng như mọi ngày, anh lái xe cùng một đồng nghiệp đến công trường, nhưng cái đích đó mãi mãi anh không đến được.
Chiếc xe gặp nạn trong tình huống mà chỉ có những người đi đường nhìn thấy, không ai trong hai người biết được chuyện gì đã xảy ra đối với chiếc xe, vì người cầm lái chính là anh - người kỹ sư, còn đồng nghiệp ngồi bên cạnh đang mơ màng giấc ngủ, tỉnh lại thấy mình nằm trong bệnh viện. Sự cố xảy ra lúc 06h15 sáng.
Rất nhanh sau đó, do hai bên của dự án quen biết lãnh đạo cấp cao, anh kỹ sư được đưa về chôn cất theo phong tục Việt Nam và không có bất kỳ giấy tờ chứng nhận nào, ngoài con dấu xác nhận lên hộ chiếu (passport) của hải quan cửa khẩu: PASSED.
Gặp tôi, chị vợ anh rất bối rối, không biết phải làm gì, vì tình huống bất ngờ này. Lo hậu sự cho anh xong, chị nhớ rằng đã từng phản đối kịch liệt khi anh quyết định mua bảo hiểm nhân thọ cho anh kèm theo cả gia đình, bốn thành viên. Mỗi năm, anh đã trích ra trên 22 triệu đồng để nộp cho công ty bảo hiểm, hợp đồng đang ở năm thứ 7 thì anh gặp nạn.
Ngồi trầm ngâm, chị thừa nhận đã hiểu sai về quyết định của chồng, giờ cái hợp đồng bảo hiểm đó là cứu cánh của ba mẹ con chị lúc này. Chị không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì với công ty bảo hiểm, lên mạng tìm hiểu thì chị có phần lo lắng vì đọc thấy những tình huống từ chối trả tiền của công ty bảo hiểm.
Tai nạn của chồng, chị không được biết, tất cả những thông tin chị nhận được đều do cơ quan thông báo và chứng từ chứng minh cho tai nạn thì không có gì cả. Toàn bộ giấy tờ, tiền bạc trong ví đều bị mất trong vụ tai nạn. Riêng passport của anh không mất, do khách sạn mà anh lưu trú giữ.
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ góp phần ổn định cuộc sống gia đình nếu người trụ cột chẳng may gặp rủi ro
Qua bạn bè giới thiệu, chị tìm đến tôi nhờ giúp đỡ, bởi cầm bản hợp đồng bảo hiểm trên tay, chị không biết những điều khoản trong đó nói gì, chồng chị đã mua loại bảo hiểm nào, mệnh giá bảo hiểm cùng các quyền lợi khác ra sao… Nói chung, chị đọc chẳng hiểu gì cả và không biết phải bắt đầu từ đâu.
Tôi nhận lời. Sau khi chị ra cơ quan công chứng lập giấy ủy quyền, tôi bắt đầu hành trình thu thập chứng cứ tại nơi xảy ra tai nạn.
Với sự phối hợp, giúp đỡ của cơ quan chồng chị công tác, chúng tôi đến làm việc với cơ quan chức năng quận Kampong Sila. Tại đây, ông quận trưởng sau một hồi trao đổi liền lấy tờ giấy và cây bút ra viết bằng chữ Khmer. Đây là loại hệ ký tự chữ Phạn, tôi chỉ đọc được họ tên của người kỹ sư, số ID và số passport, còn lại không hiểu tí gì.
Hỏi người đi cùng thì hiểu đại khái đó là giấy chứng nhận tai nạn đối với người có tên, số passport, ID tại địa điểm, thời gian tai nạn... Viết tay tờ văn bản xong, văn phòng quận sao ra làm hai bản, ông quận trưởng ký, đóng dấu và giữ lại một bản.
Về Việt Nam
Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải cầm văn bản xác nhận này đến Sở Tư pháp TP.HCM để làm các thủ tục tiếp theo, ít nhất là dịch thuật công chứng cái đã. Tại đây, người có trách nhiệm nhận văn bản lắc đầu, rồi hướng dẫn chúng tôi phải quay trở lại nước bạn làm các thủ tục hợp thức hóa lãnh sự, ngoại giao…, các bước hướng dẫn này được nhân viên của tôi ghi lại chi tiết. Tôi lên kế hoạch khăn gói lên đường qua Campuchia sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ, tôi về quê Hà Tiên, cách nơi xảy ra tai nạn vài chục ki-lô-mét, qua cửa khẩu Xà Xía đến Borkor. May quá, gặp được anh lái xe người Campuchia nói tiếng Việt rất rành rẽ, do trong thời gian chạy nạn diệt chủng Pol Pot, gia đình anh trốn qua Hà Tiên và sống ở đây cho đến khi Campuchia hồi sinh mới trở về.
Tôi hỏi anh có biết về một vụ tai nạn xảy ra trên con đường này cách đây hơn 1 tháng, vào lúc 6 giờ sáng, chiếc xe bị nạn là xe bán tải hiệu Ford? Rất chắc chắn, anh ấy khẳng định là có biết, do hàng ngày lái xe qua lại trên con đường này cả chục năm nay.
Sáng hôm đó, anh thấy rất đông cảnh sát làm việc bên cạnh chiếc xe Ford bị lật ngửa. Thực tế, lái xe cung đường này đối với người không quen đường là rất nguy hiểm, do có nhiều khúc ngoặt bất ngờ. Tôi an tâm là mình đã nhận một hồ sơ hoàn toàn có thật, xảy ra bên đất Campuchia.
… rồi quay lại nước bạn
Hết lễ Quốc khánh, tôi quay lại Campuchia theo ngả Mộc Bài. Tối đó, tôi hẹn một người bạn học cùng lớp cao học đang điều hành một chi nhánh Ngân hàng MBBank tại Phnompenh đi uống bia, hỏi về các thủ tục lãnh sự. Anh ấy cho biết, chi phí phải trả cho mỗi trang tài liệu được xác nhận là 100 USD, bất kể đó là tài liệu gì.
Ngày càng có nhiều người nhận ra lợi ích mà họ được hưởng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh
Đầu tiên, tôi phải đến Đại sứ quán Việt Nam. 8 giờ sáng tôi đến, ở đây đang có rất nhiều người nước ngoài xếp hàng làm thủ tục Visa, đến lượt tôi lúc đó đã hơn 9 giờ. Sau khi lật qua lật lại tờ xác nhận của ông quận trưởng quận Kampong Sila, nhân viên lãnh sự nói:
- Anh phải đến Bộ Ngoại giao Campuchia, số 3 đường Hun Sen, xác nhận văn bản này, sau đó quay lại đây.
Bước ra cổng, có một anh người Khmer đậm da đứng ngay trước mặt tôi tự lúc nào, nói tiếng Anh rất dễ nghe, thuyết phục tôi đi xe tuk tuk, với giá 6 USD.
- Sao mắc quá vậy? Tôi trả lời bằng tiếng Anh, rồi đưa dấu 3 ngón tay, 3 USD nhé!
- Ok. Anh ta trả lời chóng vánh kèm nụ cười thật tươi. Tôi an tâm leo lên xe, giống xe lôi máy mà đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay dùng trước đây, nhưng có mái che.
Điều đặc biệt là anh tỏ ra không biết địa chỉ mà tôi đưa. Tôi thì quên mất từ “Bộ Ngoại giao” trong tiếng Anh là gì, chỉ nói anh ta chở tôi đến số 3 đường Hun Sen. Anh ta nói, chưa từng được biết tên đường này, hỏi lòng vòng vài người chạy xe tuk tuk đứng cạnh đó, cũng không ai biết.
Anh ta dẫn tôi đến một cánh cổng khác của Đại sứ quán Việt Nam, ở đây, tôi đề đạt nguyện vọng là muốn đến Bộ Ngoại giao nước bạn, nhờ anh phiên dịch tiếng Khmer hộ. Hai bên trao đổi vài câu, anh lái xe tuk tuk người Campuchia cười lớn rồi yêu cầu tôi lên xe.
Chiếc xe chầm chậm bò qua các con phố, tôi sốt ruột vì nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ 30, không khéo tốn thêm thời gian buổi chiều, không về Việt Nam kịp, sao bay ra Hải Phòng ngày mai? Anh ta điều khiển xe rất chậm, liên tục nói chuyện với người đi đường, hình như là hỏi đường.
Cuối cùng thì cũng tới nơi. Một trong hai anh bảo vệ ở trước cổng Bộ Ngoại giao Campuchia, mặc đồ “hầm hố”, đội mũ bê rê đen, tay ôm súng, hình như hỏi tôi vào làm gì bằng tiếng Khmer. May quá, anh lái xe tuk tuk đứng phía sau nói gì đó, người bảo vệ yêu cầu đứng chờ và nhấc điện thoại gọi vào trong. Một thanh niên mặc đồ dân sự, thắt cà vạt, bước ra nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh.
Tôi đưa tờ xác nhận của quận trưởng, nói muốn vào để xin xác nhận của Bộ Ngoại giao và bản dịch nội dung ra tiếng Anh. Anh ta mời tôi vào phòng, cầm tờ giấy đọc một hồi rồi hỏi passport của người có tên trong văn bản đâu? Rắc rối rồi, tôi không mang theo passport của người bị nạn.
Tôi liền giải thích về việc người bị nạn đã qua đời và cảnh sát ở Borkor đã chứng nhận số passport trong văn bản. Nghe xong, anh ta đi vào trong phòng và một người khác ra làm việc. Tôi trình bày lại ý nguyện muốn được Bộ Ngoại giao Campuchia xác nhận văn bản đó.
- “OK. You pay 100 USD and 5:PM return here to get it”, anh ta nói (tôi sẽ phải trả 100 USD và nhận văn bản xác nhận lúc 5 giờ chiều).
Kiểu này thì khổ thân tôi rồi, chuyến xe cuối cùng về Việt Nam là 15 giờ 30, vì biên giới sẽ đóng cửa lúc 20 giờ, quá giờ này phải ngủ lại Bavet một đêm, trong khi mai phải bay ra Hải Phòng. Không được! Tôi bắt đầu đàm phán với anh ta.
Đại để là vui lòng giúp tôi, người này là nhân vật quan trọng, tôi phải quay về trước 15h30 chiều nay để ngày mai bay ra Hà Nội báo cáo.
- OK, do you agree to pay more 20 USD? 11:AM you return? - Anh ta đòi thêm 20 USD và tôi sẽ nhận được văn bản lúc 11 giờ.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, quay ra, tôi thấy anh lái xe tuk tuk vẫn đứng đó chờ. Do không mua sim điện thoại bên Campuchia nên tôi nhờ nhân viên ở Bộ Ngoại giao thông báo cho số điện thoại của anh lái xe tuk tuk. Trong thời gian chờ, anh lái xe chở tôi tham quan phố xá và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Gần 11 giờ 30 thì chuông điện thoại reo, thông báo đã có văn bản.
Cầm được văn bản bằng tiếng Anh trong tay, tôi mừng lắm, con dấu Bộ Ngoại giao Vương quốc Campuchia đóng đỏ chót! Quá vui mừng, tôi mời anh lái xe tuk tuk dùng cơm trưa, anh ta chở tôi đến một quán ăn theo phong cách ẩm thực Khmer.
Khi đi ngang ngôi trường Tuol Sleng, nơi trở thành “lò sát nhân” của chế độ Pol Pot, anh ta hỏi tôi có muốn vào tham quan không? Lúc này, tâm trí tôi đang rất vui và tôi không muốn những hình ảnh bi thương trong đó tác động nên từ chối. Nhìn từ bên ngoài, ngôi trường bọc toàn dây kẽm gai, với hình ảnh nguyên sơ không tu sửa, gợi lên vẻ bi thảm...
Chúng tôi ngồi lai rai nhằm chờ đến 13 giờ để vào Đại sứ quán Việt Nam nộp văn bản của Bộ Ngoại giao Campuchia. Tôi đem thắc mắc khi sáng ra hỏi:
- Anh mới vào nghề lái xe tuk tuk hả?
Cười cười, anh ta móc ra cái thẻ có hình chụp đang mặc đồng phục cảnh sát và nói:
- Không phải, tôi là police (cảnh sát).
Trời, bó tay luôn rồi! Thảo nào, anh ta nói tiếng Anh trôi chảy và… không biết đường, lái xe thì chậm thiệt chậm, luống ca luống cuống, sợ đụng người khác.
Cuối buổi ăn, chúng tôi trở thành bạn bè. Anh ta chụp hình, trao đổi số điện thoại, hẹn nhau khi nào qua lại sẽ alo cho nhau. Tôi hỏi, giờ tôi sẽ thanh toán tiền xe cho anh bao nhiêu, công anh chở từ sáng đến giờ?
- Bao nhiêu cũng được, tùy anh. Quan trọng, chúng ta đã là bạn bè! - Anh nở nụ cười rất dễ thương.
Còn bao nhiêu tiền Campuchia, tôi đếm được gần 100.000 Riel, tương đương 500.000 đồng tiền Việt, tôi đưa hết cho anh ấy.
Suôn sẻ
Ăn xong, tôi quay lại Đại sứ quán nộp hồ sơ và lấy biên lai hẹn trả kết quả. Vậy là tôi đã thiết lập được bộ hồ sơ chuẩn tắc về vụ tai nạn ở bên kia biên giới cho người kỹ sư vắn số. Hồ sơ hoàn thành, doanh nghiệp bảo hiểm (Prudential) đã đồng ý chi trả bảo hiểm ngày 27/10/2017.
Thời gian giải quyết kể từ ngày chính thức nộp hồ sơ cho Prudential là 35 ngày. Thời gian chuẩn bị hồ sơ kể từ lúc nhận hợp đồng của người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm là 15 ngày, tổng cộng là 50 ngày. Tất cả diễn ra suôn sẻ, không phải bổ sung chứng từ gì cho Prudetial, nộp một lần là đủ thủ tục.
Nhân viên thẩm định hồ sơ của Công ty ngạc nhiên và thích thú nhận xét, các hồ sơ đã được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ, giúp họ đi thẩm định hiện trường và liên hệ các cơ quan ngoại giao một cách nhanh chóng.