Cuộc đấu giá bất thường
Theo kết luận điều tra, từ ngày 9/10/2013 đến ngày 2/11/2013, Hội đồng bán đấu giá đã niêm yết thông tin đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giá khởi điểm thu phí trong 5 năm (từ năm 2014-2019) là 2.004 tỷ đồng.
Về điều kiện thanh toán được chia làm 3 đợt trong vòng 10 tháng; mức phạt trả chậm là 150% giá trị chậm nộp tính theo ngày. Trường hợp thanh toán không đúng hạn quá 30 ngày tại lần thanh toán bất kỳ thì bị chấm dứt hợp đồng.
Có 6 đơn vị quan tâm dự án trên nhưng do quy định đấu giá khắt khe nên sau đó chỉ còn CTCP Tập đoàn Yên Khánh và CTCP Nước giải khát Khánh An tham gia. Bản chất đây đều là doanh nghiệp của Hệ.
Thực tế hai công ty trên đều kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính. Cả 2 công ty đều chưa nộp tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, ngày 14/11/2013, ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá) vẫn ủy quyền cho Dương Tuấn Minh (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) triển khai đấu giá.
Đến ngày 15/11/2013, phiên đấu giá diễn ra nhưng chỉ có duy nhất Công ty Yên Khánh tham gia. 15h cùng ngày, Công ty Yên Khánh mới xuất trình khoản tiền đặt trước là 21 tỷ đồng do BIDV chi nhánh Thành Đô bảo lãnh. Theo quy định, không đủ điều kiện tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, Dương Tuấn Minh vẫn yêu cầu tổ thường trực phát phiếu trả giả.
Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá bằng với giá khởi điểm 2.004,1 tỷ đồng.
“Tay không bắt giặc”
Để có nguồn tiền thanh toán, Hệ chỉ đạo thế chấp hợp đồng mua quyền thu phí và tài sản của bên thứ ba là quyền sử dụng thửa đất diện tích 3.531 m2 cấp cho Công ty Yên Khánh Hải Thành trị giá 717 tỷ đồng. BIDV đã giải ngân cho Công ty Yên Khánh vay số tiền 1.703 tỷ đồng.
Số tiền 300 tỷ đồng còn lại, Hệ chỉ đạo lấy từ nguồn thu phí.
Trong vòng 4 năm (từ năm 2014-2018), Công ty Yên Khánh đã thu phí số tiền 2.276 tỷ đồng. Công ty đã chuyển 1.831 tỷ đồng để trả nợ cho BIDV và giữ lại 256 tỷ đồng làm chi phí hoạt động.
Xác minh thêm các tài khoản khác, Công ty còn để lại tiền thu phí và các khoản khác là 952 tỷ đồng. Một số bị can khai nhận sử dụng toàn bộ số tiền trên để mua cổ phần, góp vốn, mua bất động sản theo chỉ đạo của Hệ.
Theo kết luận, quá trình thu phí, bị can can thiệp vào phần mềm để làm giảm doanh thu thực tế, chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng.
“Toàn bộ tiền thanh toán là tiền vay và tiền thu phí. Công ty Yên Khánh không phải bỏ ra đồng nào”, kết luận nêu rõ.
Cơ quan điều tra cho rằng, bị can Hệ đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước. Bị can thông qua chức danh Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và thành lập nhiều công ty giao cho người thân, họ hàng đứng tên.
Hầu hết các công ty này không có năng lực tài chính, kinh nghiệm. Bị can đã làm giả hồ sơ, quan hệ với tổ chức tín dụng vay vốn, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết để chiếm đoạt của nhà nước số tiền 725 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) cùng 17 bị can khác bị đề nghị khởi tố với các tội danh như Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Theo quy định, trong vòng 10 tháng Công ty Yên Khánh phải thanh toán số tiền trên. Tuy nhiên, công ty liên tục chậm trễ và đến ngày 30/3/2017 mới hoàn thành nghĩa vụ.
Do vi phạm hợp đồng, Tổng công ty Cửu Long đã khởi kiện Công ty Yên Khánh ra tòa án. Hiện nay, cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để đảm bảo xử lý triệt để trong vụ án hình sự.