Cuộc “cách mạng” tái cơ cấu toàn diện
Hơn một năm trước, nhắc đến DRH, giới kinh doanh địa ốc lẫn tài chính cho rằng đây là một doanh nghiệp môi giới thứ cấp và kinh doanh phân bón với kết quả chưa có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, sau khi có một nhóm cổ đông mới thuộc thế hệ 8x nhảy vào gián tiếp “thâu tóm” doanh nghiệp này qua thị trường chứng khoán, DRH đã trở thành một hiện tượng của thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán. Giới chuyên môn nhận xét, đây là điển hình của một thương vụ M&A thân thiện, bởi kết quả đạt được sau cuộc “đổi ngôi” này là sự “mỉm cười” của hầu hết các bên.
Vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá, dự báo về quá trình tái cấu trúc của Công ty, tuy nhiên, nhìn vào những chuyển động của DRH trong hơn 7 tháng qua cho thấy, kết quả bước đầu mà DRH đạt được là đáng ghi nhận.
Ngay sau khi “thâu tóm” DRH, với sự tham gia điều hành của nhóm cổ đông mới, DRH tiến hành quyết liệt tái cơ cấu toàn diện. Từ năm 2016, định hướng đoạt động mũi nhọn của Công ty là bất động sản, thay vì như những năm trước, mảng phân bón gần như là hoạt động chính đóng góp doanh thu. Mục tiêu chiến lược trong 5 năm tới, DRH sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan. Kế hoạch hành động của DRH là hợp tác phát triển dự án tốt, tái đầu tư vào các dự án tiềm năng, nhưng thiếu vốn duy trì, thực hiện các thương vụ M&A trong lĩnh vực liên quan.
Vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá, dự báo về quá trình tái cấu trúc của Công ty, tuy nhiên, nhìn vào những chuyển động của DRH trong hơn 7 tháng qua cho thấy, kết quả bước đầu mà DRH đạt được là đáng ghi nhận.
Cụ thể, đầu năm 2016, DRH liên tục công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng các dự án, như Dự án Khu căn hộ phức hợp 177 - Huỳnh Tấn Phát, Khu căn hộ cao tầng 277 - Bến Bình Đông, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Cần lưu ý, đây là những dự án có vị trí khá thuận lợi nhưng lại bị đóng băng nhiều năm nay, từ sau khi DRH nhận chuyển nhượng, các dự án này đã được hồi sinh trở lại. Dự kiến, các dự án đều sẽ được triển khai ngay trong năm 2016, khi các thủ tục, giấy phép liên quan hoàn thành.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH cho biết, tất cả các dự án mà Công ty triển khai đều được chuẩn bị tỉ mỉ, từ những thiết kế ban đầu cũng phải có sự sáng tạo, khác lạ, đến việc lựa chọn các nhà thầu quốc tế để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi ra mắt thị trường. Tiếp đó, phải đảm bảo vị trí dự án thuận lợi, nhiều tiện ích và cạnh tranh về giá. Trong quá trình triển khai, DRH cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, nhưng Công ty đang tăng tốc để đẩy nhanh tiến độ hơn, dự kiến đến cuối tháng 7 này, dự án tại quận 7 sẽ được giới thiệu và mở bán.
Đối với năng lực tài chính, tháng 4/2016, DRH chính thức phát hành thành công hơn 30,6 triệu cổ phiếu, thu về 336,6 tỷ đồng, được sử dụng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án của Công ty. Bài toán nhân sự cũng là một thách thức cho ban điều hành mới, bởi trước đây, Công ty dù chỉ sở hữu quỹ đất lớn, có gần 10 năm trong lĩnh vực bất động sản, nhưng chỉ là môi giới thứ cấp, chưa chính thức phát triển dự án bất động sản nào, chính vì vậy, nhân sự chưa có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này. Khi tiếp nhận Công ty, ông Đạt cho biết, nhân sự chỉ khoảng 8 người, đến nay đã tăng lên 53 người, đều là những nhân sự được tuyển dụng từ những doanh nghiệp có tiếng trên thị trường.
“Trái ngọt” đang chờ phía trước
Trong hành trình “lột xác” của DRH, đáng chú ý nhất là mới đây, DRH “bất ngờ” công bố đã sở hữu 20% vốn tại CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), một doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản, đá xây dựng. Mục tiêu của DRH trong năm 2016 là sở hữu chi phối, ít nhất 51% vốn tại KSB, ông Đạt chia sẻ và khẳng định, “trái ngọt” thật sự của các cổ đông DRH cũng như KSB vẫn còn đang chờ phía trước.
Cơ sở để khẳng định điều này, ông Đạt cho biết, DRH đã xác định ít nhất 1- 2 năm đầu trong quá trình tái cấu trúc công ty, DRH sẽ chưa có nguồn thu lớn từ bất động sản. Do vậy, Công ty dự tính đầu tư tài chính vào doanh nghiệp liên quan đến bất động sản, vừa để hỗ trợ nguồn nguyên liệu đầu vào trong quá trình xây dựng dự án, vừa có nguồn thu tài chính từ cổ tức để trang trải hoạt động của Công ty. Thực tế, KSB là một doanh nghiệp hoạt động ổn định, mức cổ tức khá đều đặn, hấp dẫn 25-30% bằng tiền mặt, đồng thời có quỹ đất khu công nghiệp (KCN) lớn, thỏa mãn tiêu chí đầu tư của DRH.
Trong hành trình “lột xác” của DRH, đáng chú ý nhất là mới đây, DRH “bất ngờ” công bố đã sở hữu 20% vốn tại CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), một doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản, đá xây dựng.
Hiện tại, KSB đang khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, Phước Vĩnh, Tân Mỹ và các mỏ cát Dầu Tiếng, mỏ cao lanh Tân Lập, mỏ cao lanh Minh Long, mỏ sét Bố Lá ở tỉnh Bình Dương. Trong đó, trữ lượng và chất lượng tốt nhất là mỏ Tân Đông Hiệp, đóng góp 70% sản lượng cả năm và 90% doanh thu khoáng sản cho KSB.
Trong quá trình đầu tư và tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp, ông Đạt cho biết, KSB sở hữu nhiều tiềm năng mà từ trước đến nay chưa có tổ chức nào đánh giá hết được. Thứ nhất, về đất KCN, nhu cầu vẫn trong xu hướng gia tăng, kéo theo đó giá thuê tốt hơn hàng năm. Năm nay, giá thuê trung bình 45 USD/m2 tăng so với mức giá 33 USD/m2 năm 2015. Thứ hai, các mỏ của KSB với trữ lượng lớn nhưng chưa được tập trung khai thác hết. Hiện KSB đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị để gia tăng sản lượng khai thác tại mỏ Phước Vĩnh và Tân Mỹ để dò xét thử khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường của hai mỏ này. Còn mỏ cao lanh chưa khai thác chế biến sâu, mỏ đất sét dường như chưa sử dụng. Đáng chú ý, hiện KSB đang sở hữu một xí nghiệp sản xuất bê tông, nhưng chưa chú trọng phát triển nên hoạt động chưa hiệu quả. Ông Đạt chia sẻ ý tưởng, sẽ thành lập một công ty bê tông, trong đó KSB đóng góp 51% vốn để phát triển mạnh hơn nữa mảng này.
Dựa vào những yếu tố trên, ông Đạt khẳng định, KSB là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt, khoản đầu tư vào KSB là dài hạn và hỗ trợ ngược lại cho hoạt động chính của DRH. Bản thân DRH cũng tập trung cho hoạt động cốt lõi là bất động sản và đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Có thể thấy, trong bối cảnh mới nhận chuyện nhượng dự án, nguồn vốn mới được bổ sung chỉ từ tháng 4, cộng thêm việc thiếu nhân sự có chuyên môn giỏi thì việc đòi hỏi có ngay một sản phẩm hiện hữu là điều bất khả kháng. Điểm tích cực đáng ghi nhận chính là sự chuyển động của doanh nghiệp dường như đang vào guồng khá nhịp nhàng. Câu chuyện mà nhà đầu tư cần làm lúc này có lẽ là bình tĩnh theo dõi tiếp những bước đi của DRH có đúng hướng, có khả quan, thay vì chỉ nghe những thông tin đồn thổi, không chính thống trên thị trường rồi đưa ra quyết định đầu tư bất lợi cho chính mình.