Hành trình gieo niềm tin và khát vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khát vọng của người nghèo giờ không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là một cuộc sống hạnh phúc xây dựng trên nền tảng sinh kế bền vững, hòa mình cùng công cuộc xây dựng nông thôn mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây vừa là thành quả, vừa là thách thức của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng những người chiến sĩ áo hồng trên chặng đường mới.
21 năm qua tín dụng chính sách xã hội luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách 21 năm qua tín dụng chính sách xã hội luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách

Về Tả Ngài Chồ - xã vùng III biên giới đặc biệt khó khăn của huyện đặc biệt khó khăn Mường Khương (Lào Cai), 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước hôm nay, đời sống của bà con đồng bào Mông vẫn còn nhiều trắc trở. Tính đến cuối năm 2022, Tả Ngài Chồ có tới 68% hộ nghèo, 20% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ 19 triệu đồng/năm. Song, nhìn về tương lai, Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà rất lạc quan với mục tiêu giảm 10% hộ nghèo mỗi năm.

“100% người dân trong xã là đồng bào Mông. Trước đây bà con chăm chỉ nhưng nghèo khó, chưa có kỹ thuật, chưa có vốn, giao thông đi lại khó khăn nên kinh tế chậm phát triển. Nhưng sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, cây giống, phân bón, lại được NHCSXH cho vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp cho bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh hơn”, ông Sùng Seo Sà chia sẻ.

Những năm trước, cả gia đình 7 người của bà Chấu Thị Sáo ở thôn Tàng Chư Pến, xã Tả Ngài Chồ chỉ trông chờ vào ruộng ngô, cây lúa nên mỗi năm 3 - 4 tháng giáp hạt đều phải nhờ sự hỗ trợ lương thực của Nhà nước. Nghèo khó cứ thế vây khốn nhiều năm.

Mong muốn vươn lên thoát nghèo, bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư mua máy cày bừa phát triển ruộng nương. Từ tiền tích lũy và vay thêm cho con cái học hành, bà đầu tư nuôi thêm đàn bò, vài ba con lợn. Năm 2022, để tiếp tục cải thiện kinh tế gia đình, bà vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo về đầu tư tăng đàn. Đến nay, gia đình bà đã có đàn lợn tới 10 con và 11 con bò. Với nguồn tài sản này cùng ruộng nương được trồng cấy hiệu quả, ngày thoát nghèo của gia đình bà không còn xa!

Trên hành trình 21 năm nỗ lực đồng hành vì hạnh phúc người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt, hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực thi tín dụng chính sách xã hội.

Cụ thể, Ngân hàng đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn..., góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp, phát huy được vai trò, góp phần gây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đến nay đã đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,6%/tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng hơn 31 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đưa tổng nguồn vốn thực hiện của NHCSXH đến 30/9/2023 đạt 333 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310 nghìn tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 03 chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ của NHCSXH không vì thế mà vơi nhẹ, bởi yêu cầu giảm nghèo bền vững có nhiều thách thức, nhất là tại các khu vực là lõi nghèo của cả nươc như trung du và miền núi phía Bắc - nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (13,4%). Những rủi ro bất định trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Hải Trang
Theo Đặc san Phát triển bền vững 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục