Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Vương Văn Đào đã gửi đơn đến người đồng cấp New Zealand - Damien O'Connor (nước phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập Hiệp định) và bàn về quy trình tiếp theo qua điện thoại. Các tài liệu cũng đã được gửi kèm với đơn đăng ký. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định này.
Động cơ xin gia nhập gây tranh cãi
Việc xin gia nhập CPTPP là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên toàn cầu. Truyền thông Trung Quốc cũng đã giải thích rằng, việc Bắc Kinh muốn vào CPTPP là vì nước này nghiêm túc muốn mở rộng thương mại tự do đa phương.
Trong khi Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vẫn đang chờ được phê chuẩn và đây chỉ là một hiệp ước tập trung vào châu Á, CPTPP có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn về mặt địa lý, với Canada và Peru là thành viên.
Bắc Kinh cũng tin rằng, CPTPP sẽ là cầu nối để hóa giải các căng thẳng thương mại với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, dù Washington vẫn chưa tuyên bố quay lại cơ chế này. Những người theo dõi các vấn đề quốc tế nhấn mạnh rằng, bước đi mới nhất của Trung Quốc nhằm ổn định quan hệ đối tác với các thành viên CPTPP, chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải chịu áp lực lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây được xem là nỗ lực tìm cách lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, khi sự cạnh tranh về việc tạo liên minh ngày càng nóng lên giữa Bắc Kinh và Washington.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc Bắc Kinh gia nhập CPTPP là bởi Trung Quốc muốn chứng minh rằng, nước này hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trước bối cảnh các chính sách và quy định gần đây của Bắc Kinh bị một số nước cáo buộc là đi ngược lại thỏa thuận quốc tế, bao gồm tự do dữ liệu, cải tổ doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Con đường gia nhập vẫn còn nhiều chông gai
Đơn xin gia nhập của Trung Quốc nộp chậm hơn vài tháng so với đơn xin gia nhập của Anh và đây có thể là một vấn đề cho các thành viên của CPTPP. Tháng 6/2021, Anh cho biết, quá trình đánh giá với nước này đã bắt đầu.
"Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định, vì nguy cơ việc gia nhập của họ bị phủ quyết sẽ cao hơn sau khi Anh gia nhập. Bên duy nhất tỏ ý hoan nghênh Trung Quốc là Nhật Bản, còn các nước châu Á khác như Singapore, Malaysia, Brunei, có thể không hài lòng với sự tham gia của Trung Quốc. Trung Quốc muốn gia nhập trước khi thanh chắn lối vào bị nâng cao hơn. Ngoài ra, đó cũng là một cách hay để chọc ngoáy Mỹ", chuyên gia Sourabh Gupta thuộc Viện nghiên cứu Mỹ - Trung tại Washington nhận định.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và là nước giữ vai trò Chủ tịch CPTPP năm nay. Nhật Bản cho biết, sẽ sớm tham vấn với các thành viên còn lại về đơn gia nhập của Trung Quốc, nhưng không nói rõ khung thời gian cụ thể.
"Chúng tôi cần phải xác định liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của nhóm hay chưa", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi phát biểu ngày 17/9.
Bên cạnh đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói: "Chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cao của CPTPP hay không. Chúng tôi sẽ tham vấn với các nền kinh tế khác trong quá trình phê chuẩn thành viên mới".
Ông Kato cũng đưa ra một danh sách dài các lĩnh vực mà ông hoài nghi về Bắc Kinh, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay trợ cấp cho tập đoàn nhà nước. Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ giúp các thành viên tiếp cận sâu hơn thị trường rộng lớn của họ, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về an ninh.
Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định, vì nguy cơ việc gia nhập của họ bị phủ quyết sẽ cao hơn sau khi Anh gia nhập |
Sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP hôm 17/9, một số thành viên khẳng định, bất kỳ ai cũng được hoan nghênh, trong khi số khác cho rằng Bắc Kinh có thể không phù hợp với tiêu chí của họ.
Trung Quốc gần đây căng thẳng với một số thành viên CPTPP về vấn đề an ninh, đặc biệt là Australia và Canada. Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP sau khi Australia đạt được thỏa thuận với Mỹ và Anh về việc đóng tàu ngầm hạt nhân cho nước này, động thái dường như nhằm đối trọng với sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Rào cản trong chính sách của chính Trung Quốc
Các chuyên gia thương mại cho rằng, ngay cả khi không vướng vào những vấn đề ngoại giao, chính trị phức tạp, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP về bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động.
Dù Washington không còn là thành viên, CPTPP vẫn giữ nguyên tầm nhìn ban đầu của Mỹ rằng, các thỏa thuận thương mại tự do cần hạn chế việc các tập đoàn nhà nước tận dụng những khoản trợ cấp từ chính phủ để cạnh tranh với khu vực tư nhân. Vấn đề này trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc đã hỗ trợ rất mạnh cho các ngành công nghiệp và công ty họ coi là chiến lược ví dụ như Huawei Technologies.
"Đây cũng sẽ là thách thức với Trung Quốc trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn của hiệp định. Nhưng thật khó để tin rằng Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi đó mà không cần bất cứ cải cách nào", Stephen Jacobi, cựu chuyên gia đàm phán thương mại, hiện là giám đốc một nhóm đại diện cho các nhà xuất khẩu hàng đầu New Zealand, nhận định.
Nhiều thành viên CPTPP đã bày tỏ sự dè dặt về việc liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định hay không
Việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc không chỉ có rào cản từ ý kiến của các nước thành viên của Hiệp định, mà về mặt chính sách trong nước, Trung Quốc nếu muốn gia nhập cũng sẽ phải giải quyết khá nhiều vấn đề. Hiệp định CPTPP được xây dựng với nhiều tiêu chuẩn cao vượt xa việc xóa bỏ thuế quan. Nó bao gồm cả các quy định hướng dẫn tiếp cận thị trường, quyền lao động và hoạt động mua sắm của chính phủ.
Về cơ bản, Trung Quốc có thể chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt của CPTPP như một điều kiện cần thiết để gia nhập. Một số nhà phân tích, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã lập luận rằng, đây sẽ là một cách để bắt đầu những cải cách trong nước, một động lực tương tự quá trình Trung Quốc gia nhập WTO.
Tuy nhiên, một số yêu cầu của CPTPP sẽ thách thức quan điểm điều hành của Bắc Kinh. Chẳng hạn, các tiêu chuẩn cao hơn về quyền lao động trong CPTPP, các nước thành viên buộc phải công nhận quyền của người lao động, được thành lập các công đoàn độc lập. Tương tự, các quy định tương đối nghiêm ngặt của CPTPP về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, hay về sự tự do của dữ liệu và mở các thỏa thuận mua sắm chính phủ cho cạnh tranh nước ngoài cũng sẽ thách thức Trung Quốc.
"Trung Quốc can thiệp vào thị trường thông qua các doanh nghiệp nhà nước - điều này trái ngược với cách thức hoạt động của nền kinh tế thị trường tự do. Nhiều thành viên CPTPP đã bày tỏ sự dè dặt về việc liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định hay không", một nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Bà Shannon Tiezzi, Tổng biên tập tờ The Diplomat bình luận, với những trở ngại lớn, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP có thể phải chờ thời gian dài để xử lý và cũng có khi là mãi mãi. Trước mắt, động thái này có giá trị mang tính biểu tượng, chứng minh Trung Quốc cam kết đối với thương mại tự do và các thỏa thuận đa phương. Nhưng nếu Trung Quốc không thực sự sẵn sàng đàm phán và chấp nhận các yêu cầu của CPTPP, tính biểu tượng đó sẽ dần biến mất.
Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất để CPTPP mở rộng. Anh cũng đang đàm phán để gia nhập hiệp định này. Nhiều nền kinh tế khác như Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia. Đài Loan (Trung Quốc) cũng muốn góp mặt.