Hành trình đưa hàng chục nghìn người vào con đường đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy

Thành lập từ bộ máy của doanh nghiệp đa cấp từng bị rút giấy phép, Thiên Ngọc Minh Uy đã hoạt động trong hơn 10 năm, thu lãi hàng nghìn tỷ đồng từ người tham gia.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đã phải trải qua nhiều khâu để làm rõ sai phạm của doanh nghiệp. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đã phải trải qua nhiều khâu để làm rõ sai phạm của doanh nghiệp.

Sáng 25/4, sau khi nghe tin Thiên Ngọc Minh Uy bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, ông Hưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) vội lên trụ sở đơn vị này tại quận Cầu Giấy để tìm hiểu tình hình, đồng thời mong có cơ hội nhận về khoản tiền từng được công ty hứa hẹn. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước, ông vẫn phải ra về với những lời giải thích và giấy cam kết có chữ ký của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Chia sẻ với VTV, ông Hưởng cho biết năm 2014, vì nghe lời một người bạn, ông đã đem toàn bộ số tiền tích góp trong 20 năm để tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy. Với 9 mã sản phẩm, ông đã bỏ vào công ty này gần 70 triệu đồng với lời hứa sẽ nhận được 119 triệu đồng tiền lãi sau 2 năm và phần gốc giữ nguyên.

Đến nay đã gần 3 năm, dù nhiều lần gõ cửa nơi ký hợp đồng nhưng ông vẫn không nhận được gì ngoài những lời hứa hẹn. Tất cả những gì ông có chỉ là tấm thẻ hội viên, tờ giấy biên nhận tiền và chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.

Chia sẻ nỗi thất vọng, ông Hưởng cho biết nhiều hội viên khác trong hệ thống cũng rơi vào tình cảnh như ông, thậm chí bi đát hơn khi mà quãng thời gian 5-6 năm trở lại đây được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, trên cơ sở chủ động xin chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp này. Cùng với rút giấy phép, cơ quan này đã phạt Thiên Ngọc Minh Uy hơn 210 triệu đồng với nhiều vi phạm.    

Trao đổi với VnExpress sau khi Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Phó cục trưởng - Trịnh Anh Tuấn cho biết, cơ quan này từng nhận được nhiều khiếu nại, ý kiến phản ánh về hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Cạnh tranh, Cục sẽ phải tiến hành điều tra sơ bộ và điều tra chính thức, cần nhiều thời gian... Do vậy đến hôm nay, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Vị này cho biết thêm, mạng lưới và số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy rất lớn, để tìm được người hiểu rõ “chăn tơ kẽ tóc” là không đơn giản.

“Trong vài trăm người thì chỉ vài người có thể hiểu được mọi ngóc ngách trong mạng lưới, chỉ ra được sai phạm”, ông Tuấn nói.

Thiên Ngọc Minh Uy được thành lập từ năm 2006 với nền tảng quản lý của một số lãnh đạo từ Công ty Sinh Lợi – doanh nghiệp từng hoạt động trong lĩnh vực đa cấp từ năm 2000 nhưng đã bị thu hồi giấy phép trước khi Thiên Ngọc Minh Uy ra đời, do hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng…

Sau hơn 10 năm hoạt động, nơi đây trở thành một trong những hệ thống đa cấp có quy mô thành viên và doanh thu lớn nhất trong ngành. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, doanh thu của hệ thống với hàng chục nghìn hội viên đang hoạt động này đã chiếm gần một phần ba toàn thị trường, vốn đang tăng trưởng 20-30% mỗi năm.

Theo biên bản kiểm tra Thiên Ngọc Minh Uy của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2014 - 2015, tổng doanh thu ghi nhận là 3.593 tỷ đồng, với 87% là tiền thu trực tiếp từ người tham gia.

Giá vốn hàng hóa đã bán cho các thành viên tham gia chỉ tương đương một phần tư số tiền thu về, giúp đơn vị này đạt tỷ suất lợi nhuận gộp cao ngất ngưởng là hơn 70% - con số thậm chí còn gấp nhiều lần so với những doanh nghiệp đứng đầu trong nền kinh tế hiện nay.

Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy hiện có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do 3 nhà đầu tư góp vốn gồm bà Lê Thị Phương Thảo (50%), Nguyễn Thị Xuyến (25%) và Lâm Nữ (25%). Giám đốc hiện tại của công ty là bà Lâm Nữ, sinh năm 1984.    

Điều này xuất phát từ giá trị hàng hóa bán cho các thành viên trong hệ thống đa cấp được đẩy lên gấp nhiều lần giá trị thực. Những chiếc máy lọc nước ozone với giá thị trường khoảng 2 triệu đồng được đẩy lên gấp 5 lần, hay những loại thuốc được gọi là thần dược với mức giá tăng gấp cả chục lần ban đầu. Quan hệ mua bán và định giá hàng hóa bị bóp méo cũng xuất phát từ việc chi trả hoa hồng quá cao khiến mục tiêu chính không còn là bán hàng hóa mà là lôi kéo người tham gia.

Trong hai năm 2014-2015, số tiền hoa hồng của Thiên Ngọc Minh Uy đã chi lên tới gần 40% số thu từ người tham gia, tương ứng 1.586 tỷ đồng. Con số này cũng cao hơn gần 60% so với tổng giá vốn hàng hóa đã bán cho các thành viên của hệ thống.

Tuy vậy, nếu loại trừ hai khoản chi phí cao nhất đối với một hệ thống đa cấp là giá vốn hàng bán và chi phí hoa hồng, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn còn lãi gần 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2015, trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ ở mức 20 tỷ đồng.

Một lý do khác cũng dẫn tới việc ngày càng nhiều người lao vào hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy là lòng tin đối với những quảng cáo thiếu sự thật. Không ít người chỉ vì nghe thấy mức lãi suất trong mơ, những khoảng lợi nhuận "không cần làm gì cũng được nhận".

Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã bức xúc chia sẻ: "Cho đến giờ phút này tôi vẫn đang suy nghĩ về chuyện tại sao nhiều bà con cô bác lại dễ tin vào những lời quảng cáo đến vậy. Nếu như bà con cô bác nghe một lời quảng cáo về tốc độ làm giàu nhanh như thế thì nên nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp", vị này nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục