Còn thiếu nhiều tiêu chí
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là nhiệm vụ cần sự đồng thuận và phối hợp triển khai không chỉ của riêng TTCK, mà còn cả sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.
“Việc thống nhất về quan điểm giữa các bộ, ngành để triển khai hoặc sửa đổi quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho công tác nâng hạng thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng, UBCK trong thẩm quyền của mình đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng”, bà Phương cho biết.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức FTSE Russell đã làm việc, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nâng hạng và gần nhất vào tháng 5/2022, UBCK đã ký văn bản hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) về việc hỗ trợ nâng hạng.
Ông Vũ Việt Anh, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) |
Trên thế giới, có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường gồm Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P Dow Jones. Sự phân hạng thị trường của FTSE và MSCI là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu.
Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng, nhưng cơ bản đều tập trung vào các khía cạnh bao gồm: (1) Mức độ phát triển của nền kinh tế, (2) sự ổn định về chính trị, quy mô, (3) tính thanh khoản của thị trường, (4) hiệu quả vận hành thị trường, (5) khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, và (6) khả năng lưu chuyển dòng vốn.
Trong việc phân hạng, MSCI chia thành 3 nhóm gồm: Thị trường phát triển (Developed Market), Thị trường mới nổi (Emerging Market) và Thị trường cận biên (Frontier Market). Trong khi đó, FTSE Russell chia thành 4 nhóm gồm: Thị trường phát triển (Developed Market), Thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging Market), Thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging Market) và Thị trường cận biên (Frontier Market).
Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE Russell (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp, tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí - tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường, bao gồm: (1) Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường; (2) Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách; (3) Vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài; (4) Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
Ngoài ra, một số tiêu chí như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện, nhưng đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vận hành trong 2023 sẽ là một điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá còn lại trong năm (Bảng 1).
TTCK Việt Nam kỳ vọng điều gì khi được nâng hạng?
Trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đổ vào với quy mô rất lớn, bên cạnh những lợi ích đáng kể khác mà doanh nghiệp, thị trường sẽ có thể được hưởng lợi. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm TTCK Việt Nam và vị thế quốc gia. Việc chính thức được các tổ chức đánh giá độc lập ra quyết định nâng hạng là minh chứng cho công cuộc nỗ lực cải cách của Chính phủ, cơ quan quản lý sau một thời gian dài định hướng, từ đó làm cơ sở tiền đề để nhà điều hành tiếp tục cải cách, nâng cấp thị trường hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn nhằm đảm bảo sự minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư… trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Theo ước tính của BSC, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Bên cạnh uy tín quốc gia được củng cố, sự quan tâm của khối ngoại sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây, điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm cơ hội tiếp xúc các quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, các quỹ ETF… có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam thông qua hoạt động bán vốn, hợp tác đầu tư… Mặt khác, các công ty sẽ tiết kiệm được chi phí vốn khi phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu giảm thông qua hoạt động chia sẻ lợi ích/rủi ro giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, đón nhận dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF - tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ” vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn. Theo ước tính của BSC, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại. (Bảng 2)
TTCK Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp kể từ tháng 9/2018, tuy nhiên mới đây nhất, FTSE đã cảnh báo về quá trình nâng hạng thị trường Việt Nam khi việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng, đồng thời FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng. Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có tên trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI, do đó để TTCK Việt Nam tiếp tục có một bước chuyển mình mới, hội nhập sâu rộng với sự phát triển chung trong khu vực và thế giới, rất cần sự chỉ đạo, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý, sự chung tay của các thành viên tham gia trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 mà Bộ Tài chính đã đặt ra.