Hàng xa xỉ sẽ ngày càng... xa xỉ

Danh mục thuế tiêu thu đặc biệt đang được mở rộng, nhiều nhãn điện thoại, đồng hồ... dự kiến được cập nhất thêm vào danh sách vốn đã không ngắn này.
Hàng xa xỉ sẽ ngày càng... xa xỉ

Đầu tháng 12 này, 4 phiên bản điện thoại của Tag Heuer Meridiist thế hệ 2 đã được giới thiệu tại Việt Nam, với giá niêm yết từ 130 đến 480 triệu đồng/chiếc. Mặc dù là để đáp ứng sự mến mộ của những người giàu tại Việt Nam, nhưng những chiếc điện thoại sang trọng và đẳng cấp này cũng không thoát khỏi tầm ngắm của các cơ quan trong lĩnh vực tài chính. Bởi vậy, trong đề xuất mới nhất của cơ quan thuế, những chiếc điện thoại có trị giá nhập khẩu trên 5.000 USD, tương đương hơn 110 triệu đồng, đã được đề nghị bổ sung vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với mức thuế 10%.

Ngoài nhãn hiệu Tag Heuer, còn những nhãn hiệu điện thoại khác cũng nằm trong tầm ngắm, như Vertu.

Góp mặt trong danh sách các sản phẩm được đề xuất bổ sung vào diện phải chịu thuế TTĐB còn là những chiếc đồng hồ có trị giá nhập khẩu trên 5.000 USD.

Trước đó, thông tin về chiếc đồng hồ Sarcar dòng Solitaire có giá sốc 5 tỷ đồng mà Hoa hậu Diễm Hương đeo, hay chiếc Rolex của ca sỹ Thu Minh tới 1,3 tỷ đồng đã làm chóng mặt những người quan tâm.

Cơ quan chức năng cũng đã để mắt tới những mặt hàng túi xách sang trọng và đắt tiền của các nhãn hiệu Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Dior - loại phụ kiện không thể thiếu và được xem là tạo đẳng cấp cho giới nhà giàu hay các ngôi sao thảm đỏ.

Bởi vậy, những thông tin như “Nữ hoàng sắc đẹp Ngọc Trinh sở hữu 5 chiếc túi Hermes màu sắc khác nhau, trị giá khoảng 11.000 - 12.000 USD/chiếc”, hay “15 mỹ nhân Việt mê mẩn túi Dior trăm triệu” là những thông tin hữu ích khi đề xuất việc áp thuế TTĐB với các loại túi xách cao cấp này.

Hiện ở Việt Nam, các nhãn hàng xa xỉ như Rolex, Vertu, Tag Heuer, Louis Vuitton, Hermes… đều đã có các đại diện bán hàng chính thức, nên việc xác định giá để tính thuế không mấy khó khăn.

Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định 17 loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, các cơ quan thu thuế cho rằng, danh sách này còn tương đối hẹp, nhất là những hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng, nhưng chưa được rà soát để đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Bởi vậy, ngoài điện thoại và đồng hồ đeo tay nhập khẩu có trị giá từ 5.000 USD/chiếc, hay túi xách nhập khẩu có trị giá từ 1.000 USD trở lên, thì nước giải khát có gas, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, nước hoa (hoặc mỹ phẩm khác, kể cả thuốc làm rụng lông thuộc mã số HS 3307.9040), thiết bị làm đẹp cho phụ nữ cũng đã được đề xuất bổ sung vào diện phải chịu thuế TTĐB.

Đồng thời, một số hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB đang được ngành thuế đề xuất áp mức cao hơn so với hiện tại. Chẳng hạn, các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, chế phẩm khác từ cây thuốc lá được đề nghị tăng lên mức 75% (hiện là 65%). Mặt hàng tàu bay, du thuyền - những sản phẩm đắt đỏ, chỉ một bộ phận rất nhỏ trong xã hội có điều kiện mua sắm được đề nghị lên mức 50%, so với mức 30% hiện tại…

Theo các chuyên gia, các mặt hàng đang chịu thuế TTĐB và được đề nghị chịu thuế TTĐB đều là những mặt hàng xa xỉ, chỉ được một bộ phận người có thu nhập rất cao sử dụng.

Bởi vậy, việc điều tiết những mặt hàng có trị giá cao, thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu để làm giảm tỷ lệ nhập siêu trong cán cân thanh toán quốc tế cũng như kiềm chế tốc độ lạm phát với thị trường trong nước là cần thiết. Đây cũng được xem là một nguồn thu bồi đắp cho ngân sách bị thiếu hụt khi Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO, khiến thuế nhập khẩu có xu hướng giảm dần.

>>Yamaha Motor lọt tốp nợ thuế siêu khủng

>>Hưởng lợi từ thuế, MPC lãi “khủng” quý III

 

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục