Lợi ích cho cả hai phía
Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU đã nâng lên một nấc mới chỉ sau hơn 1 năm thực thi EVFTA - hiệp định với các cam kết có mức độ tự do hóa sâu rộng, các tiêu chuẩn cao về quy tắc, thể chế và phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực. EVFTA đã cho phép Việt Nam kết nối trực tiếp cùng lúc với 27 nền kinh tế thành viên của khu vực kinh tế đứng tốp đầu thế giới, thị trường có sức mua lớn thứ hai toàn cầu.
Nếu như 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm sút do sự sụt giảm nhu cầu tại EU trong giai đoạn đóng cửa kinh tế vì Covid-19, thì từ sau 1/8/2020, tình thế đã được xoay chuyển. 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng liên tục và ổn định, đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy hàng Việt đã khẳng định được chất lượng và duy trì được chỗ đứng tại thị trường 500 triệu dân này.
Đặc biệt, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giữ được lợi thế về giá, nhất là hàng nông, thủy sản. Đây là động lực để nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau khi Covid-19 được kiểm soát.
Ở chiều ngược lại, những thuận lợi về thương mại và ưu đãi thuế quan khiến hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại EU cũng mang đến lợi ích tích cực với người tiêu dùng châu Âu. TS. Carsten Schittek, đại diện lâm thời Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá: “Hàng Việt Nam xuất nhiều sang EU giúp người tiêu dùng tại đây có thêm lựa chọn, nhất là trong giai đoạn đại dịch bùng phát, chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng bị gián đoạn”.
Đánh giá tác động của EVFTA tới doanh nghiệp EU, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) nhấn mạnh, chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham cho thấy, gần 2/3 thành viên của Hiệp hội đã được hưởng lợi từ EVFTA. Những kết quả này sẽ còn gia tăng hơn khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU.
Trở lại “đường đua” sau đại dịch
Sau thành công bước đầu trong thực thi EVFTA, các chuyên gia thương mại cho rằng, xuất khẩu hàng Việt ra thế giới nói chung và sang EU nói riêng đang bước vào giai đoạn mới khó khăn và thách thức hơn dưới tác động quá lớn của đại dịch Covid-19.
Ở góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, đầu vào bị thiếu hụt, đầu ra ách tắc do bị hạn chế trong khâu vận chuyển.
Theo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa số doanh nghiệp ở các vùng tâm dịch không thể tiếp tục sản xuất. Tại TP.HCM, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) phải ngừng sản xuất. Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Tại thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ duy trì được khoảng 30 - 40% công suất.
Doanh nghiệp Việt cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết trong tương lai, khi dịch bệnh được khống chế. Đó là việc giữ khách hàng, giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu lao động, chi phí sản xuất và phí vận chuyển tăng phi mã…
Tuy nhiên, lợi thế về thuế quan trong EVFTA được kỳ vọng có thể là lực hấp dẫn quan trọng để thu hút khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau đại dịch. Hiện 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “EVFTA đã mang đến cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU”. Hiện tại, ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó, không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Mặt khác, hàng Việt tại EU mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, nên vẫn còn nhiều cơ hội tăng xuất khẩu.
“Ước tính, thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35 - 60%; nhóm nông sản thực phẩm có thể khai thác 35 - 90%”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phân tích.
Do đó, ở tầm vĩ mô, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau khi Covid-19 được khống chế, ông Phú cho rằng, cần ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế.
Về nhập khẩu, lợi thế về thuế quan nhờ EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất, cải thiện năng lực cung ứng, tăng cạnh tranh cho sản phẩm để trở lại “đường đua” sau đại dịch.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!