Giữa tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã tới Thừa Thiên Huế để tìm kiếm các cơ hội đầu tư một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh này.
Dự án dự kiến có công suất 100 - 200 MW, với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Mới chỉ là bước tìm kiếm cơ hội đầu tư, song sự kiện này đã một lần nữa khẳng định mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có điện mặt trời và điện gió.
Trước Hanwha, cuối tháng 9/2015, Solar Park (Hàn Quốc) cũng đã tới Hà Tĩnh để đề xuất kế hoạch đầu tư một nhà máy điện mặt trời có công suất 300 MW tại tỉnh này.
Theo ông Hom Nam Pyo, Phó chủ tịch Solar Park, Công ty mong muốn biến dự án này thành một trong những dự án điện mặt trời lớn trên thế giới, với tổng vốn đầu tư khoảng 550 - 600 triệu USD.
Trong kế hoạch của mình, Solar Park muốn triển khai Dự án thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I triển khai trong 37 tháng; giai đoạn II sẽ sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam để tiến tới xuất khẩu.
Ngoài những cái tên này, Tata Power, công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), bên cạnh quyết tâm đầu tư các dự án nhiệt điện tại Sóc Trăng, cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời ngay tại Sóc Trăng và Ninh Thuận.
Tại Ninh Thuận, Công ty TNHH Giải pháp năng lượng gió HBRE, hồi giữa năm, cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời HBRE, công suất 30 MW, tổng mức đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Chưa phải quá nhiều, nhưng đã bắt đầu có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Thậm chí, cuối tháng 8/2015, dự án điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam đã được CTCP Đầu tư - Xây dựng Thiên Tân khởi công xây dựng tại Quảng Ngãi. Dự án có công suất 19,2 MW, với tổng vốn đầu tư 826 tỷ đồng, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào năm 2016.
Cùng với dự án trên, Thiên Tân cũng đã lên kế hoạch đầu tư một dự án điện mặt trời quy mô “khủng” nhất từ trước tới nay tại Việt Nam ở Ninh Thuận.
Dự án dự kiến có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, quy mô 1.000 MW. Thiên Tân Solar Ninh Thuận sẽ được đầu tư làm nhiều giai đoạn, với 5 nhà máy, trong đó nhà máy đầu tiên có công suất 50 MW, sẽ được xây dựng vào năm 2016. Tới năm 2020, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW.
UBND tỉnh Ninh Thuận rất ủng hộ kế hoạch trên và mới đây đã chính thức có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xin chủ trương bổ sung Dự án Thiên Tân Solar 1.000 MW vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia để nhà đầu tư có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của Dự án.
Động thái là tích cực, song nếu nhìn vào xu hướng đầu tư các dự án điện gió “sôi động đăng ký”, nhưng “chấp chới triển khai”, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn về việc khả năng hiện thực hóa các dự án này đến đâu.
Hiện tại ở Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư các dự án điện gió, nhưng số lượng dự án triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều dự án mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD cũng đã lần lượt phá sản, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Điện gió LandVille Energy, vốn đầu tư 500 triệu USD ở Ninh Thuận, hay Dự án Phước Nam - Enfinity của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ), vốn đầu tư 266 triệu USD; dự án 800 triệu USD của Timur (Malaysia)…
Trong khi đó, các dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời cũng cùng chung số phận, từ dự án 1 tỷ USD của First Solar ở TP.HCM đến dự án 300 triệu USD của Công ty Đầu tư chuyển giao Worldtech. Trong khi First Solar tuyên bố ra đi vì sự mất cung - cầu về năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu, thì dự án ở Thừa Thiên Huế lại bị cho chỉ là “một cái bánh vẽ”…
Vướng mắc lớn nhất liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo có lẽ là giá điện chưa đủ sức hấp dẫn. Các nhà đầu tư đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, bởi vậy, thành bại của các dự án điện mặt trời đến đâu thì có lẽ vẫn còn phải chờ dài dài.