Chiều 27/3, ông Bùi Minh Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Khánh Hòa) xác nhận, việc thủy sản tự nhiên chết hàng loạt tại đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là do sự cố tràn nước thải của Nhà máy đường Khánh Hòa.
Hiện nhà máy tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố tràn nước thải.
“Cơ quan chức năng đã niêm phong cống xả, chỉ cho nhà máy hoạt động trở lại khi nào kiểm tra nước thải đạt loại A” - ông Sơn nói.
Do sự cố này nên mấy ngày nay nông dân tại huyện Cam Lâm, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa như ngồi trên đống lửa vì hàng ngàn tấn mía đã chặt nhưng Công ty cổ phần mía đường Khánh Hòa không đến nhận, mía chở về nhà máy cũng bị ùn ứ.
Người dân cho biết mía đã thu hoạch hơn một tuần nay nhưng chưa bán được khiến họ vô cùng lo lắng. Nhiều nông dân đã bán mía cho thương lái với giá 750.000 - 800.000 đồng/tấn (giá mua của công ty khoảng 920.000 đồng/tấn).
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, mía đã chặt và chất đống ngoài đồng chủ yếu tập trung tại các xã Ninh Tây, Ninh Tân, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), ước hơn 1.000 tấn.
Tại hai huyện Cam Lâm và Diên Khánh, tuy địa phương chưa có thông kê cụ thể nhưng số mía đã chặt cũng rất nhiều.
“Chúng tôi đã yêu cầu nhà máy phải nhanh chóng khắc phục sự cố để nhà máy hoạt động trở lại, tránh gây thiệt hại quá lớn cho người dân” - ông Sơn nói.
Ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Khánh Hòa - thừa nhận nguyên nhân xảy ra sự cố tràn nước thải ra đầm Thủy Triều là do đường ống dẫn nước thải vào nhà máy bị tắc nghẽn trong khi công nhân ngủ quên nên không xử lý kịp.
“Hiện công ty tạm ngưng hoạt động để vệ sinh nhà máy theo yêu cầu của cơ quan chức năng” - ông Liêm thông tin.
Tuy nhiên, ông Liêm khẳng định việc hàng ngàn tấn mía ùn ứ chưa thể đưa đi ép được không phải do sự cố tràn nước thải, dẫn đến phải tạm nhưng hoạt động.
Theo đó, trước sự cố tràn nước thải khoảng hai ngày, công ty có kế hoạch vệ sinh nhà máy nên nhắn tin đồng loạt cho tất cả nông dân có hợp đồng bán mía với đơn vị về việc tạm ngưng thu hoạch mía.
“Trong hợp đồng với người dân, công ty cũng nói rõ nếu nhà máy tạm ngưng vì lý do gì đó thì người dân chưa chặt mía vội để tránh hao hụt. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì nhiều người vẫn tiến hành thu hoạch mía rồi chất đống ngoài đồng và cho rằng đó là lỗi của công ty” - ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, hiện tại nhà máy cũng đang tồn 7.000 tấn mía nguyên liệu chưa thể ép được vì sự cố hệ thống xử lý nước thải chưa được khắc phục xong.
Về giải pháp, ông Liêm cho biết sẽ cộng thêm tiền cho mỗi tấn mía mà nông dân đã lỡ chặt và đưa về nhà máy. Theo đó, mỗi tấn mía sẽ được cộng thêm một chữ đường (1CCS, bằng 92.000 đồng), nếu thấp hơn 9,5CCS thì tính bằng 9,5CCS.
Nhà máy phải bồi thường thiệt hại cho người nuôi thủy sản
Cũng theo ông Sơn, đến thời điểm nay cơ quan chức năng đã xác định trong quá trình sản xuất, một mẻ đường của nhà máy đường Khánh Hòa bị hư khiến hệ thống xử lý nước thải bị hỏng và xảy ra sự cố.
Việc quá tải khiến nước thải tràn ra ngoài đầm Thủy Triều khiến lượng vi sinh vật tăng lên 6.000-7000/ml nước biển, gấp 6-7 lần điều kiện bình thường gây thiếu oxy khiến thủy sản bị chết.
Hiện chính quyền địa phương đã tiếp nhận 18 đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người dân. Công ty TNHH đường Khánh Hòa cũng đang cùng địa phương đi thống kê thiệt hại của các hộ dân để đảm bảo công tác bồi thường sau này.
Cũng theo ông Sơn, trước đây Công ty TNHH đường Khánh Hòa cũng đã vài lần phải bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường do mình gây ra.